Dân Việt

Thêm nét khắc họa về nông dân Nam Bộ

Nguyễn San 06/08/2013 06:48 GMT+7
NSƯT Hồ Ngọc Xum vẫn luôn cho rằng mình có duyên nợ sâu đậm với các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh vì đã 4 lần làm phim từ tác phẩm của ông.
Khơi dậy tinh thần cao thượng và nhân ái của người nông dân Nam Bộ xưa là điều mà đạo diễn này hướng tới qua các bộ phim của mình.

“Việt hóa” Jean Valjean

Nhà văn Hồ Biểu Chánh- một tên tuổi lớn của văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX đã dành 5 năm để dựng cuốn tiểu thuyết “Ngọn cỏ gió đùa”. Khi dựng xong, ông đã viết trong vòng 2 tháng. Tác phẩm hoàn tất và in năm 1926. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam chưa tiểu thuyết nào có tầm cỡ như “Ngọn cỏ gió đùa”.

Tiểu thuyết được viết nên từ sự cảm tác và lòng ngưỡng mộ của nhà văn trước tác phẩm kinh điển “Những người khốn khổ” của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Lê Văn Đó - nhân vật chính trong tiểu thuyết “Ngọn cỏ gió đùa” được cho là hình tượng “Việt hóa” của Jean Valjean – con người khốn khổ mà vĩ đại trong tác phẩm của văn hào Pháp.

img

Cảnh trong phim “Ngọn cỏ gió đùa”.

NSƯT Hồ Ngọc Xum vô cùng tâm đắc với tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Bằng chứng là cách đây 24 năm, ông đã từng chuyển thể tác phẩm này sang phim truyện. Nhưng vì thời lượng một bộ phim có hạn, chỉ khai thác được một quãng ngắn trong cuộc đời người nông dân Lê Văn Đó nên Hồ Ngọc Xum vẫn hết sức trăn trở về những điều chưa làm được. Năm 2012, được sự tin cậy của Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS), Hồ Ngọc Xum đã một lần nữa trở lại với “Ngọn cỏ gió đùa” qua kịch bản phim truyền hình 45 tập của biên kịch Võ Đắc Dự, khỏi phải nói ông đã hào hứng thế nào với lần trở lại này.

Đạo diễn cho biết: “Khi đọc tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, tôi bắt gặp những giá trị sống, triết lý cuộc đời trong từng câu chuyện đời của thế kỷ trước nhưng vẫn hiện hữu và có giá trị cho đến hôm nay. Ngoài những câu chuyện hấp dẫn, “Ngọn cỏ gió đùa” hướng con người đến chân, thiện, mỹ, theo cách sống Á Đông với những giá trị nhân văn chưa bao giờ lỗi thời. Là một người xuất thân trong gia đình nông dân Nam Bộ, tôi lại càng cảm nhận rõ hơn ai hết vẻ đẹp trượng nghĩa trong tính cách nông dân kiểu anh Hai, phim tôi làm chỉ tập trung khắc họa điều đó”.

Trải qua 8 tháng vất vả, Hồ Ngọc Xum đã đưa đoàn phim đi qua 16 tỉnh thành. Ở tuổi 60 nhưng ông vẫn xông xáo dưới trời nắng gắt, nắn nót điều chỉnh từng cảnh quay để sao cho tái hiện được khung cảnh Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Khá vất vả trong quá trình thực hiện vì cảnh xưa người cũ không còn, từng bộ phục trang cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để không sai thời gian, huấn luyện cho dàn diễn viên trẻ cách đi đứng, ăn nói ra sao cho đúng với chất người nông dân Nam Bộ cách đây gần một thế kỷ không phải là điều dễ, nhưng Hồ Ngọc Xum đã có thể yên tâm vì “Ngọn cỏ gió đùa” được TFS đánh giá là một bộ phim có sự đầu tư và thực hiện chỉn chu đúng theo định hướng kiên trì với dòng phim xưa của hãng.

Bài học làm người

Bắt đầu phát sóng trên kênh HTV9 vào lúc 17 giờ 30 hàng ngày từ 4.8, 45 tập phim “Ngọn cỏ gió đùa” chắc chắn sẽ mang đến một phong vị đậm đà mà những bộ phim truyền hình dài tập chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh do Hồ Ngọc Xum dàn dựng trước đây như “Con nhà nghèo”, “Nợ đời”, “Cay đắng mùi đời”... đã từng tái hiện.

Câu chuyện mở ra từ một làng quê nghèo bị nạn đói hoành hành, để cứu gia đình, tá điền Lê Văn Đó mới tuổi đôi mươi, thật thà, chất phác đã đánh liều đột nhập nhà bá hộ Cao ăn cắp nồi cháo heo để cả nhà chống đói. Hành động bị phát giác, Đó chịu án 10 năm tù... Đó vượt ngục nhưng không thành, bị tuyên án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Đó lại tiếp tục vượt ngục và cuộc đời của người nông dân ấy bị ném vào kiếp nổi trôi.

Tưởng rằng sẽ không bao giờ Đó có cơ hội trở về với cuộc đời lương thiện nhưng nhờ cuộc gặp gỡ với nhà sư Chánh Tâm, anh đã trở thành một con người khác. Anh sống hướng thiện, đưa tay giúp đỡ mọi người trong nỗi mặc cảm của một tên tù khổ sai vượt ngục. Đến một ngày nọ, khi có người bị bắt oan dưới nhân dạng của mình, Lê Văn Đó đã chọn con đường ra đầu thú để có một cuộc sống với lương tâm thanh thản.

“Ngọn cỏ gió đùa” có chủ đề và thể hiện những phong tục tập quán, ngôn ngữ, y phục, những trữ lượng thông tin vô cùng quý giá về đất và người Nam Bộ thế kỷ XX. Phim có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Ngọc Hùng, Mai Phương, Trí Quang, Lê Quốc Nam, Thanh Hiền, Kim Huyền, Uyên Thảo, Phương Bằng, Thế Tâm…
NSƯT Hồ Ngọc Xum cho biết: “Mỗi lần đọc tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh, rồi lại được làm phim từ tác phẩm của ông, tôi thấy bản thân mình như lớn hơn, cao thêm một chút. Bởi những nhân vật trong tiểu thuyết của cụ với lòng nhân ái và đức tính ngay thẳng, chính trực, vị tha đều như dạy cho chúng ta những bài học làm người từ những điều đơn giản nhất”.

Như thường lệ, phim của đạo diễn Hồ Ngọc Xum thường không có “ngôi sao”, tất cả đều chỉ là những diễn viên trẻ, ít tên tuổi nhưng bước ra từ phim của ông, họ được khán giả nhớ tới và yêu mến nhiều hơn. Hy vọng, 45 tập phim “Ngọn cỏ gió đùa” sẽ là một bệ phóng cho một lứa diễn viên mới.