Từ một vùng đất vốn thuần nông, sản xuất độc canh, manh mún, AYun Pa đã chuyển sang nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống cho nông dân nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Phóng viên
NTNN đã trao đổi với ông Đỗ Tiến Đông - Chủ tịch UBND thị xã AYun Pa về vấn đề này.
Với việc chia tách huyện và trở thành đô thị loại IV, AYun Pa được kỳ vọng là động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất đông - nam tỉnh Gia Lai. Ông có thể đánh giá khái quát về sự tác động này đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trong phạm vi địa bàn thị xã? -Thị xã AYun Pa nằm ở phía đông - nam tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 90km về phía nam. Trước năm 1975, A Yun Pa là tỉnh lỵ Phú Bổn. Tiếng là tỉnh lỵ nhưng thực tế chỉ là tụ điểm dân cư với cơ sở hạ tầng hết sức nghèo nàn, sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, lối sản xuất đơn giản, tự cung tự cấp truyền thống ngự trị khá phổ biến… Những năm sau giải phóng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp - nhất là sự ra đời của công trình đại thủy nông AYun Hạ, diện mạo nông nghiệp, nông thôn vùng đất AYun Pa đã có sự thay đổi mang tính cách mạng. Cánh đồng AYun Hạ đã trở thành vựa lúa lớn nhất Gia Lai… Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, ngày 30 tháng 3.2007, AYun Pa được chia tách thành thị xã với 8 đơn vị hành chính gồm 4 phường và 4 xã. Dù chỉ với thời gian hơn 6 năm nhưng bằng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, thị xã AYun Pa đã có bước phát triển khá toàn diện. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2010 đến nay đều đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,1% /năm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng đa dạng. Các loại cây có lợi thế như mía, sắn, ngô lai, thuốc lá… tiếp tục phát triển và đang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có khối lượng lớn. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, diện tích gieo trồng đã tăng hơn 7,8% so cùng kỳ. Các mô hình, chương trình, dự án được quan tâm đầu tư và triển khai bước đầu có hiệu quả. Cơ giới hóa nông nghiệp đang được áp dụng ngày càng rộng rãi. Hiện 95% các khâu làm đất đã được cơ giới hóa; 40% khối lượng thu hoạch lúa đã dùng máy gặt đập liên hợp… Những tiến bộ trong nông nghiệp đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm từ gần 16% năm 2010 xuống còn 10,19% năm 2012… Đến nay về cơ bản, mạng lưới giao thông từ trung tâm thị xã đến các xã đã được trải nhựa. Giao thông nội bộ nhiều thôn, bon đã được bê tông hóa. 23/23 thôn, bon đã có điện lưới. Hệ thống trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Các xã đều có trạm y tế; trụ sở UBND xã đều được xây dựng quy mô 2 tầng. Các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn bước đầu đã đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất và đời sống… Có thể nói đến với mọi thôn, bon AYun Pa hôm nay không thể không cảm nhận sự hòa quyện của nếp sống văn minh hiện đại với nền tảng văn hóa dân tộc. AYun Pa từng được coi là vùng đất sự điển hình cho văn minh, văn hóa Jrai. Truyền thống đó đang được Đảng bộ và chính quyền thị xã phát huy và nâng lên tầm cao mới…
Dù chỉ với thời gian hơn 6 năm nhưng bằng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, thị xã AYun Pa đã có bước phát triển khá toàn diện.
|
Đây có thể nói là lợi thế và là "nguồn vốn" rất quan trọng của thị xã trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được của chương trình?
- Năm 2010 khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thị xã A Yun Pa có 3 xã đạt 2 tiêu chí và 1 xã chỉ đạt 1 tiêu chí. Sau 3 năm đẩy mạnh chương trình, đến nay cả 3 xã Ia Rtô, Ia Sao và Chư Băh đều đã hoàn thành 6 tiêu chí; 6 - 8 tiêu chí khác gần đạt. Thấp nhất là xã Ia Rbol cũng đã có 4 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí gần đạt… Nhìn lại thời gian 3 năm triển khai Chương trình NTM, với sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Thị ủy, lãnh đạo UBND thị xã, sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nhận thức của lãnh đạo chính quyền cơ sở và đồng bào các dân tộc về nhiệm vụ xây dựng NTM đã có những bước chuyển quan trọng. Ở nhiều thôn, bon, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tài chính, công lao động. Điển hình như xã Ia Sao, nhân dân đã đóng góp hơn 153 triệu đồng để xây dựng giao thông nội bộ. Tuy nhiên nếu nhìn nhận một cách nghiêm ngặt, Chương trình NTM của thị xã vẫn còn những hạn chế, đó là tiến độ thực hiện ở một số xã còn chậm; thiếu quyết liệt trong điều hành và chỉ đạo; việc huy động nội lực trong nhân dân và các doanh nghiệp chưa đáng kể; tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước còn khá phổ biến…
Với thị xã AYun Pa, việc phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí có khó khăn gì ? Một số người cho rằng một số trong bộ 19 tiêu chí NTM áp dụng với vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp là quá cao; một số tiêu chí chưa hợp lý?
-Thoạt nhìn trên một số phương diện, thị xã AYun Pa có những lợi thế nhất định so với các huyện lân cận khu vực đông - nam của tỉnh. Tuy nhiên đi sâu vào từng lĩnh vực, AYun Pa lại có những khó khăn mang tính đặc thù. Là thị xã nhưng kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, tài nguyên khoáng sản không có gì đáng kể nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thị xã rất khó khăn. Các doanh nghiệp hiện có trên địa bàn chủ yếu là kinh doanh thương mại, dịch vụ trình độ phát triển còn thấp, quy mô nhỏ, manh mún, chưa xứng tầm với một đô thị loại IV… Về sản xuất nông nghiệp, là vùng đất chỉ trồng được lúa và một số cây nông nghiệp ngắn ngày, quỹ đất hạn chế; đầu ra cho sản phẩm rất nhỏ lẻ nên rất khó hình thành các vùng nguyên liệu lớn, tập trung. Bên cạnh đó trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc một bộ phận không nhỏ còn mang nặng tập quán lạc hậu… Trong bối cảnh đó việc huy động 40% nguồn lực đóng góp của người dân để xây dựng NTM là rất khó khăn nếu không nói là khó khả thi… Về bộ 19 tiêu chí NTM, qua thực tế ở thị xã AYun Pa chúng tôi cũng cho rằng có một số tiêu chí chưa thật phù hợp cần có sự điều chỉnh, chẳng hạn như chỉ tiêu sử dụng điện, quy mô trạm y tế, Internet hay chợ… Trong bối cảnh đại bộ phận đồng bào dân tộc quy mô sản xuất gia đình nhỏ lẻ; sản phẩm mang tính mùa vụ thì việc giao thương không phải là nhu cầu thường nhật. Hơn nữa khoảng cách từ xã đến các chợ trung tâm thị trấn không xa, do đó việc phải có chợ ở tất cả các xã hiện tại là chưa cần thiết…
Mục tiêu phấn đấu của thị xã AYun Pa đến năm 2015, 2 xã điểm Chư Băh và Ia Rtô sẽ cán đích NTM. Trong bối cảnh khó khăn chung, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình từ trung ương và tỉnh đạt thấp (thực tế chỉ đáp ứng được hơn 8% yêu cầu) thì vai trò chủ thể của người dân phải được coi là nhân tố quyết định. Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ và hiệu quả hơn cho nông dân - nông nghiệp - bởi suy cho cùng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là yếu tố quyết định và bền vững để xây dựng thành công NTM…
Xin cảm ơn ông!