Theo Trung tâm Dự báo khí
tượng thủy văn T.Ư, hồi 13 giờ ngày 30.10, vị trí tâm bão Krosa (con cò) ở vào khoảng 16,8 độ
Vĩ Bắc; 128,4 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 670km về phía
Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp
13.
Bão Krosa đang di chuyển với tốc độ khá nhanh, khoảng 20km/h và tiếp tục mạnh lên. Dự kiến, khi quét qua phía bắc đảo Luzon vào tối khuya 31.10 bão Krosa sẽ vào biển Đông và tiếp tục di chuyển theo Tây Tây Bắc là chủ yếu, có thể lệch Tây Bắc một chút và tiếp tục mạnh lên. Khi đến Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có thể mạnh nhất lên cấp 13, giật cấp 16.
Ông Bùi Minh Tăng - Giám
đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nhận định, cơn bão Krosa là cơn bão
diễn ra vào cuối mùa, có diễn biến khá phức tạp và khả năng kéo theo những yếu
tố bất thường.
Theo dự báo khoảng trên 80% khả năng tâm bão sẽ đi dọc khu vực
từ phía Nam đảo Hải Nam tới Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Theo ông Tăng, từ ngày 2 - 3.11 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường tới
xuống miền Bắc nên có khả năng tương tác với bão, càng làm cho diễn biến thêm
phức tạp.
Từ hôm nay cho tới ngày 1.11 thời tiết nguy hiểm đã xuất hiện trên
biển. Vùng nguy hiểm được xác định là Bắc Vĩ tuyến 15 và Đông Kinh tuyến 110.
Khoảng trưa ngày 2.11, tâm bão sẽ đi qua khu vực Bắc quần đảo Hoàng Sa. Bắt đầu
từ trưa 31.10 trên biển sẽ có gió mạnh.
Cũng theo ông Tăng, cơn bão Krosa không mạnh như cơn bão số 10, 11 và không đi sâu vào đất liền nên gây mưa trên đất liền ít. Nếu bão đổ bộ vào đất liền nước ta thì sớm nhất cũng phải vào ngày 3 - 4.11.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Krosa, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu từ hôm nay cho đến ngày 1.11, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phối hợp tập trung thông báo, kêu gọi tàu thuyền di chuyển vào nơi an toàn, nhất là ở khu vực Bắc quần đảo Hoàng Sa. Hướng di chuyển có thể là vào bờ hoặc tìm nơi neo đậu an toàn trên đảo Hải Nam, hay đi về hướng Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, trên bờ nhiều khả năng bão đổ bộ vào miền Trung sẽ tiếp tục gây mưa. Đáng lo ngại là hiện nay đang là cao điểm mùa mưa lũ ở khu vực miền Trung. Do vậy các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa bão. Trong đó, rà soát lại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, xử lý các sự cố xảy ra do những cơn bão trước. Đồng thời có phương án điều tiết nước hợp lý và cảnh báo, hỗ trợ người dân ứng phó với tình huống mưa lớn, nước nhiều phải xả lũ cấp bách.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến 15 giờ ngày 30.10, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 22.920 phương tiện với 148.962 lao động biết diễn biến của bão Krosa để chủ động phòng tránh. Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng lực lượng 1.983 người với 257 phương tiện các loại để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT)
cũng cho biết, tính đến ngày 30.10, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thu hoạch được 95%
diện tích lúa mùa và gieo trồng được 67% diện tích cây vụ đông. Hiện hầu hết
các hồ chứa thủy lợi các tỉnh từ Bắc Bộ đến Hà Tĩnh đã đầy nước; các hồ chứa từ
Quảng Bình trở vào hiện đã đạt khoảng 70% dung tích thiết kế.