Đào hầm như... thời chiến
Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều người quyết định ở lại nơi cư trú chứ không đi tránh bão. Và để giúp mình an toàn trong trường hợp bão đến, họ đã tự xây dựng nên những căn hầm vốn rất phổ biến từ thời chiến tranh (trước 1975) để ẩn náu.
Tại các xã ven biển Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam, huyện Thăng Bình, lực lượng Bộ đội Biên phòng, và BCH quân sự tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ có mặt từ sáng 9.11 để giúp những người dân ở lại đào hầm trú bão, chằng chống nhà cửa.
Người dân xã Bình Minh (Quảng Nam) đào đất làm hầm tránh bão Haiyan.
Ông Trương Đỡ (85 tuổi, tổ 3, thôn Hà Bình, xã Bình Minh) tâm sự: “Đây là kinh nghiệm, việc đào căn hầm tránh bão trở nên cần thiết, bão riết rồi thành quen, cứ bão đến thì dường như ai cũng làm hầm dưới cát để làm nơi trú ẩn cho cả gia đình. Hầm được đào sâu 1m, xung quanh được chằng bao cát lớn, phía trên mái được che chắn thanh gỗ cứng, phủ bạt lên”.
Theo ghi nhận của PV NTNN, mỗi chiếc hầm có diện tích khoảng 5-6 m2, cao khoảng 1m. Trần hầm là những đoạn bêtông hoặc cây gỗ bắc ngang, lót ván (hoặc những tấm cửa nhà) lên trên, sau đó dùng bạt phủ lên, dùng bao cát giằng xung quanh bạt. Thượng tá Nguyễn Viết Thắng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Minh, cho biết: “Hầm tránh bão là một phương án hay, chúng tôi tăng cường giúp đỡ người dân làm chục cái hầm”. Đến hết ngày 10.11, những căn hầm này đã chưa thể phát huy tác dụng do bão Haiyan không vào đất liền.
Còn tại Đà Nẵng, người dân đã về nhà từ trưa 10.11. Trước đó, Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán hơn 160.000 người dân.
Bà Phùng Thị Nhiên (80 tuổi, trú tổ 14, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho hay: Chiều 9.11, nhà tôi 5 người được các chú bộ đội đưa về Trường Cao đẳng Xây dựng miền Trung tránh bão. Ăn tạm gói mỳ tôm rồi chúng tôi thức trắng cả đêm vì lo sợ bão phá mất cái nhà. Sáng 10.11 thấy mọi việc yên bình, ai cũng mừng.
Trong khi đó, bác Nguyễn Hoà (62 tuổi, trú phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) tay lỉnh kỉnh đồ đạc để về nhà, cho biết: “Hôm qua chạy bão vội vàng nên nhà cửa không kịp chằng chống gì hết cả. Được về nhà, tôi mừng không kể xiết, chạy nhanh về lo thức ăn cho đàn gia súc bị bỏ đói cả ngày hôm qua”
Thở phào, nhưng vẫn cảnh giác
Phần lớn người dân khu vực tỉnh Phú Yên đã rời khỏi nơi trú bão về nhà. Nhưng trong ngày 10.11, những đợt triều cường cuồng nộ liên tục uy hiếp vùng biển xóm Rớ, phường Phú Đông (Tuy Hòa). Sóng lớn phủ qua nhiều mái nhà, đưa cát và nước dâng ngập tường nhà. Nguy cơ những đợt sóng lớn tiếp tục khoét sâu vào bờ, lấy mất nhà dân là khó tránh khỏi. 42 nhà dân tại đây đã bị sóng lớn đánh sập tường rào và nhiều công trình phụ.
Thừa Thiên - Huế:5 người chết do bão lũ
Đến chiều 10.11, Thừa Thiên -Huế ghi nhận có 5 nạn nhân chết vì bão lũ. Trong đó có ông Nguyễn Giáp (47 tuổi, ngụ thôn Hải Thế, xã Phong Hải, huyện Phong Điền) tử vong trong lúc giúp hàng xóm chằng chống nhà cửa. Ông Nguyễn Viết Từ- Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, mặc dù thuộc diện hộ nghèo nhưng ông Giáp là người thường xuyên giúp đỡ hàng xóm khi có bão lũ, hoạn nạn. Vì vậy, cái chết của ông Giáp khiến người dân địa phương vô cùng tiếc thương. (AN SƠN)
|
Ông Phan Văn Toàn - một người dân xóm Rớ, nói: “Bão không vào nhưng triều cường rất dữ dội. Cứ tưởng vừa được xây bờ kè là dân xóm Rớ yên ổn một phần, ai dè sóng đánh tan tành, sạt lở tứ tung. Lại phải dọn chạy tránh sập nhà…”.
Cùng ngày, trên 120 chiến sĩ của các đơn vị vũ trang Phú Yên đã được khẩn trương huy động hỗ trợ khắc phục sự cố vỡ kè. Được biết, đây là đoạn kè dài 690m, cao 5,5 m, kinh phí 12 tỷ đồng, vừa được Ban quản lý các dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai Phú Yên đầu tư thi công cách đây 1 tháng.
Cũng trong ngày 10.11, cảng cá Tuy Hòa và khu trung tâm mua bán cá ngừ đại dương đã bị triều cường đánh sập một góc cầu cảng phía đông, gây sạt lở và uy hiếp nghiêm trọng nhiều khu công sở và nhà dân ở phường 6 (Tuy Hòa). Chính quyền Phú Yên đã huy động khẩn cấp hàng chục xe tải chở đá khối lớn đến đổ chắn...
Đang phụ trách việc thi công chuyển đá, ông Mai Duy Phương (DNTN Bảo Châu, Tuy Hòa) cho biết: Đêm 9.11 và ngày 10.11, đơn vị đã huy động 8 xe tải liên tục vận chuyển đá từ các huyện miền núi Phú Yên để về đắp kè cảng Tuy Hòa.