Ngân hàng “quay lưng”Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều... là những mặt hàng mà các DN sản xuất, kinh doanh liên tục?phát tín hiệu “kêu cứu” thời gian gần đây. Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, suốt một thời gian dài do phải vay vốn với lãi suất cao (khoảng 17%), ước tính tổng nợ xấu và nguy cơ nợ xấu của ngành cà phê hiện khoảng 8.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của ngành cà phê).
Ước tính nợ xấu của ngành cà phê đã lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng (ảnh minh họa).
Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa), hầu hết các ngân hàng đều đang “quay lưng” với ngành cà phê, vì vậy các DN ngành này đang đứng bên bờ vực phá sản. Trao đổi với phóng viên NTNN, một giám đốc DN xuất khẩu (XK) cà phê (xin giấu tên) cay đắng nói: Nhiều DN cà phê đầu tư kinh doanh lớn nhưng hiện nay tổng tồn kho khoảng 200.000 tấn, lại bị ngân hàng phong toả tài sản, nguy cơ thua lỗ là rất lớn. Không những thế, các DN cà phê nội địa còn đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các DN nước ngoài (FDI) trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Vicofa, hiện 12 DN FDI đã thu mua và XK khoảng 50% sản lượng cà phê XK của Việt Nam. Theo ông Vinh, sự cạnh tranh giữa DN FDI và DN nội trong lĩnh vực cà phê hiện không cân xứng. DN FDI được ưu đãi về thuế, được vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài với mức lãi suất thấp, nên hoàn toàn chủ động trong việc mua nguyên liệu cà phê. Tình thế đó khiến DN trong nước lâm vào tình cảnh khó khăn do không mua được nguyên liệu chế biến.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, mặt hàng cao su xuất khẩu từ đầu năm đến nay cũng không mấy khả quan (xem NTNN số 187/2013) vì thị trường khó khăn, giá giảm. Ngoài ra, cùng sản xuất một loại sản phẩm cao su, nhưng DN ngoài khu vực chế xuất phải đóng thuế, còn DN trong khu chế xuất lại được miễn. Điều này đã gây không ít trở ngại cho các DN cao su XK, làm giảm năng lực cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực không có thuế hoặc thuế XK thấp hơn. Nhiều DN chỉ còn cách hạn chế sản xuất mặt hàng này, làm mất đi tính đa dạng của sản phẩm cao su tự nhiên của Việt Nam. Các DN XK hồ tiêu, điều cũng đang gặp khó khăn về tài chính do không tiếp cận được vốn vay. Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng của các DN còn phức tạp khiến DN thiếu vốn lại bị thiếu thêm…
“Cứu” chỉ là trước mắtTheo Bộ Công Thương, việc sụt giảm XK một số mặt hàng nông sản chủ lực có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nhu cầu của thị trường nhập khẩu không tăng, nguồn cung trong nước giảm một phần cũng do các DN trong nước không tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.
Để hỗ trợ XK nông sản, nhất là những mặt hàng chủ lực như cà phê, Vicofa đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, NNPTNT và các cơ quan này cũng đã trình Chính phủ về việc dãn nợ cho vay tín dụng XK đối với mặt hàng cà phê. Chính phủ cũng đã đồng ý gia hạn cho vay tín dụng XK đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản XK chủ lực từ 12 tháng lên 36 tháng. Tái cơ cấu các khoản nợ vay trước đây của các DN kinh doanh cà phê VN với thời hạn vay mới lên 5 năm.
Xuất khẩu nông sản giảm gần 12% Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 7 ước đạt 2,39 tỷ USD; giá trị xuất khẩu của ngành sau 7 tháng đạt 15,59 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu nông sản chỉ đạt 7,84 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Gạo, cà phê, cao su… đều giảm cả về lượng và giá.
|
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, đây chỉ là những giải pháp cấp cứu trước mắt. Về lâu dài, để các ngành nông sản XK chủ lực của Việt Nam thật sự phát triển bền vững cần đưa tạm trữ cà phê, cao su, tiêu, điều... trở thành các chương trình ưu tiên định kỳ hàng năm như lúa gạo; từ đó có các giải pháp tài chính phù hợp hỗ trợ cùng với DN để chủ động trong việc XK.