Dân Việt

Nghe lỏm "khẩu quyết tâm pháp" của Học viện HAGL-Arsenal JMG

Tuệ Minh 20/10/2013 18:50 GMT+7
Giáo trình "luyện công" 7 năm của Học viện HAGL-Arsenal JMG luôn được giữ bí mật. Tuy nhiên, trong một buổi chiều tình cờ, Dân Việt đã... nghe lỏm được "khẩu quyết" cơ bản để có thể trở thành một cầu thủ giỏi mà HLV Guillaume truyền cho các cậu học trò cưng...
Khi bài tập 3 đấu 3 trong phạm vi hẹp đang diễn ra, HLV Guillaume bất ngờ cho dừng cuộc chơi với sau một đường bóng sai, mất tập trung của cậu học trò Huỳnh Tuấn Vũ (sinh năm 2002, Phú Yên).

Bố "Giôm" (tên gọi thân mật của HLV Guillaume) gọi Tuấn Vũ ra bên ngoài sân với vẻ mặt rất nghiêm nghị nói: "Trong bóng đá, luôn có những người làm cho chúng ta tức giận, nóng đầu và không chơi bóng được nữa. Vũ có thấy không, khi con vội vàng, con đã không còn giữ được sự tinh anh vốn có nữa. Trên sân, cần phải quên đi tất cả và tập trung vào chơi bóng với trái tim đầy nhiệt huyết và cái đầu lạnh, không được phạm lỗi lại với đối thủ, ngay cả khi mình bị chơi xấu. Và rồi thành quả tất yếu sẽ tới".

img
HLV Guillaume truyền "khẩu quyết" cơ bản để trở thành cầu thủ giỏi trong tương lai cho các học viên khóa 3 Học viện HAGL-Arsenal JMG. Ảnh: Tuệ Minh

Quan sát các học trò thuộc lứa khóa 3 thi đấu trên sân, HLV Guillaume liên tiếp đưa ra những "khẩu quyết" buộc các học trò phải thuộc nằm lòng: "Khải (Phan Hồ Khải, sinh năm 2003, Đồng Nai-PV), con phải chuyền bóng nhanh lên, tránh chuyền bóng chậm, đẩy bạn mình vào thế khó"; "Tâm (Nguyễn Duy Tâm, sinh năm 2002, Lạng Sơn - PV) di chuyển nhiều vào để tìm các khoảng trống trên sân thì bạn mới chuyền được chứ!"; "Hải (Huỳnh Văn Hải, sinh năm 1999, Đắk Lắk-PV) khi phòng ngự thì phải mạnh mẽ hơn đối thủ, áp sát nhanh để họ không có thời gian chỉnh, chuyền bóng. Nhiều đường chuyền sai của họ là do mình áp sát nhanh, buộc họ mắc sai lầm".

Giữa các bài tập, xen kẽ những lời nhắc nhở, HLV Guillaume còn cho các học trò dừng lại, nhìn sang ngay bên cạnh, nơi các "đàn anh" thuộc lứa khóa 1 và 2 gồm những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... đang tập luyện những bài tập đối kháng trên phạm vi hẹp: "Các con nhìn các anh chơi chưa. Ngay cả khi không có bóng cũng phải quan sát, di chuyển liên tục tìm vị trí thuận lợi nhất để bạn mình có thể chuyền. Khi có bóng phải xử lý thật nhanh, ít chạm, cố gắng đá sệt, đơn giản, thay vì chuyền bổng dài gây khó cho bạn mình", HLV Guillaume nói.

Trong số 9 học viên khóa 3 Học viện HAGL-Arsenal JMG vừa tuyển hồi đầu tháng 8.2013, thì 4 em: Khải, Vũ, Tâm, Hải được nhắc đến ở trên là những người được lựa chọn chính thức (5 em "dự bị" tập 1 năm rồi kiểm tra lại về khả năng phát triển).

Tâm sự với Dân Việt, "cậu út" Phan Hồ Khải nói: "Nhà chỉ có mỗi cháu, gia đình cũng không khó khăn lắm, cha sửa xe máy, mẹ làm công nhân. Nhưng con yêu bóng đá quá nên khi trúng truyển đã xin cha mẹ cho đi. Những ngày đầu cũng nhớ nhà lắm nhưng sau rồi cũng quen".

Trái ngược hoàn toàn với "cậu út", "anh cả" Huỳnh Văn Hải chia sẻ: "Cha mẹ cháu chỉ biết trông vào rẫy cà phê để sống. Nhà có 2 anh em liền nhau, em cháu sinh năm 2000 nên vất vả lắm. Cháu trúng tuyển, được ăn, học, chơi bóng ở Học viện như này coi như gia đình cũng đỡ khó khăn. Ngoài giờ học văn hóa, chơi bóng, chúng cháu chỉ biết chơi billiards, bơi và chơi điện tử... bắn gà thôi".

So với các bạn, Huỳnh Tuấn Vũ được đánh giá có tư chất chơi bóng cực kỳ thông minh. Nhưng khá lạ là em cảm thấy buồn bị... cha mẹ "bắt" đi thi tuyển và được Học viện HAGL-Arsenal "kết" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vũ cùng với Tâm từng khóc hết nước mắt trong những ngày đầu ăn, ở tập trung tại Học viện vì nhớ nhà, nhớ bạn bè.

Vũ nói: "Nhà có 4 anh em, cháu là con út. Cháu cũng đã tập bóng ở Phú Yên nên ban đầu không muốn tới Học viện HAGL-Arsenal JMG. Lên đấy rồi, nhớ các bạn ở nhà lắm!".

Mỗi người một tâm sự, một hoàn cảnh nhưng đều có chung một nỗi buồn xa nhà từ nhỏ. Có lẽ chính điểm chung ấy đã giúp họ biết yêu thương nhau hơn, chia sẻ với nhau trong từng ánh nhìn, chẳng bao giờ cự cãi, to tiếng với đồng đội sau mỗi pha bóng mắc sai lầm hay để thua. Để rồi sau 6-7 năm luôn ở bên nhau trong từng bữa ăn, giấc ngủ... đương nhiên họ sẽ cảm nhận được nhau trong từng đường bóng, từng pha di chuyển trên sân.

Chính họ là những người mang lại niềm tin cho người hâm mộ về một tương lai đầy màu hồng của bóng đá Việt Nam, chứ không phải V.League rối như canh hẹ như thời điểm hiện tại.