Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng nhiều học sinh vẫn không tránh khỏi những “tai nạn” cười ra nước mắt khi đi quà thầy cô dịp 20.11.
Thảm họa nhầm quàĐây chắc chắn là tai nạn dễ gặp nhất trong dịp 20.11. Nhưng nếu nhầm quà của cô này với cô kia, thầy A với thầy B thì không nhiều tình huống trớ trêu. Sợ nhất là nhầm quà thầy sang cô. “Cả lớp mình bị một phen muối mặt vào 20.11 năm ngoái khi tặng nhầm quà cô giáo dạy Văn sang thầy dạy Địa.
Tớ đích thân đi mua quà, cô thì tặng khăn lụa, thầy thì tặng cavat và cẩn thận dặn người gói quà dùng giấy bọc khác nhau rồi. Nhưng chị ấy bán hàng đã nhầm lẫn 2 tờ giấy bọc với nhau. Bọn tớ không biết vụ nhầm lẫn này cho đến khi cô giáo mang trả lại quà. Cô sống độc thân một mình, nên không thể để ai dùng món quà đó cả. Mà biết đâu cô lại nghĩ lớp tớ có ý đồ xỏ xiên này nọ. Đó là một bài học nhớ đời”, N.N.T (sinh viên một trường ĐH tại Hà Nội) kể.
Ngay sau đó, cán bộ lớp T đã đến xin lỗi và thanh minh với cô giáo song đây đúng là “nỗi ám ảnh” trong lòng mỗi học sinh. “Bọn tớ vẫn ngại khi gặp lại cô, vẫn luôn nghĩ mình đã gây tổn thương cho cô”, T nói.
Hay như việc tặng thầy giáo thể dục bị hói đầu một bộ dầu gội (dùng để tặng cô giáo) của tập thể lớp 12 một trường THPT tại Hà Nam cũng khiến các bạn học sinh méo mặt. Tất cả cũng do nhầm giấy bọc quà. Buổi học hôm sau, thầy giáo giận tím mặt mang quà đi trả và nói: “Các anh các chị đúng là trời đánh”. Cả lớp vừa run sợ, vừa được trận cười vỡ bụng. Rất may thầy giáo này tuy nóng tính nhưng lại không để bụng, sau khi lớp trưởng lên thanh minh, thầy đã tha cho tội “nhầm nhọt” của cả lớp.
Mặc dù chuẩn bị rất kỹ song việc đi quà thầy cô dịp 20.11 vẫn có những tai nạn cười ra nước mắt (Ảnh minh họa)
Phong bì không lõi“Bàn xem nên mua quà hay đi phong bì cho cô ngày 20.11 thì cả lớp cứ nháo nhào lên, cuối cùng vẫn quyết định đi phong bì. Nhưng chính vì thế mà bọn tớ gặp một vố không bao giờ quên”, Đào N.A (học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) kể về ngày 20.11 năm ngoái. Sau khi đã bỏ tiền vào phong bì đi thầy, cô bạn thủ quỹ lớp này đã hồn nhiên gom cả những chiếc phong bì còn thừa vào sau đó mới ghi lời đề tặng. Kết quả: tặng hết lượt các thầy cô rồi vẫn thấy dư ra 2 chiếc phong bì. Cả lớp bắt đầu phân tích tình hình. “Đến tận bây giờ bọn tớ vẫn không biết được thầy cô nào nhận phong bì không lõi. Bọn tớ thấy xấu hổ vô cùng”, N.A chia sẻ.
Cũng giống như lớp của N.A, lớp của P.V.Q bị nhầm phong bì tặng thầy trưởng khoa và cô bộ môn. Số tiền đi 2 thầy cô khác nhau nên khi phát hiện ra sự nhầm lẫn này, cả lớp chỉ còn biết ôm đầu nhăn nhau. “Sự đã rồi có muốn chữa cháy cũng không được. Bọn mình chỉ còn biết nhắm mắt cho qua. Nhưng nói thật sau vụ đó, tâm trạng bọn tớ thấp thỏm không yên”.
Nhầm nhà thầy cô
Sự việc hy hữu này tưởng chừng sẽ không bao giờ xảy ra nhưng lại có thật. Nam (học sinh trường THPT Lam Hồng (Hà Nội) phải thi lại môn Hóa học kỳ 2 năm lớp 11 và khả năng sẽ bị lưu ban nếu điểm hóa liệt. Mẹ Nam quyết định đưa con đến thăm cô để nhờ cô kèm cặp thêm cho cậu con quý tử. “Vào nhà cô giáo, nói chuyện một thôi một hồi, ôm hoa và quà để lên bàn rồi mới ớ người ra là bị nhầm giáo viên. Thì ra cô cũng là giáo viên trường mình nhưng dạy giáo dục công dân, nhà cô Hóa ở bên cạnh”. Do “quá chăm” lên lớp nên cậu bạn không biết mặt thầy cô giáo nào, trừ cô chủ nhiệm. Cho đến bây giờ, sự cố của Nam vẫn còn dư âm và bị "nhai" lại mỗi dịp họp lớp, đi thăm thầy cô.
Ngày 20.11, học trò nào cũng muốn tìm được một món quà ý nghĩa để thể hiện lòng biết ơn tới thầy cô. Những sự cố nhầm lẫn, mua quà hớ, không hợp ý thầy cô là điều khó tránh. Có những sự cố trở thành kỷ niệm đẹp của cả thầy lẫn trò cũng có việc trở thành một nỗi buồn. Hy vọng các bạn học sinh sẽ luôn cẩn thận, thành tâm để có được một món quà 20.11 thật ý nghĩa.