Dân Việt

Chuyện kể gốc đa: Vẫn chỉ là thơ

01/01/2011 23:44 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu chỉ nhìn vào các con số trong các báo cáo, chúng ta hoàn toàn tin rằng mươi năm nữa nông thôn ta, từ miền xuôi cho chí miền ngược, vùng chiêm trũng đến vùng cao đều có thể thực hiện thành công công nghiệp hoá.

Đơn cử một tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, từ năm 2006 đến nay với các Chương trình 135, giảm nghèo miền Trung, khuyến công... đã có hơn 3.600 máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp ở 51 xã đặc biệt khó khăn. Kinh phí do Nhà nước cấp mua máy móc tới hàng chục tỷ đồng.

Ấy thế mà theo một bạn đọc viết, đến một số xã của huyện Kon Plông hôm nay, ai cũng thấy sự nghiệp cơ giới hoá nông nghiệp mới chỉ dừng ở bước một: Đưa máy về xã.

Ở xã Đăk Tăng, bà con cho biết mỗi thôn được cấp một bộ máy cày nhưng chẳng ai hướng dẫn bà con cách sử dụng đầy đủ. Bà con vốn không quen làm máy, phức tạp hơn cày trâu nên đưa máy trả cho xã. Cạnh trụ sở xã Măng Bút, các bộ phận máy vứt lăn lóc. Cán bộ ủy ban thừa nhận có máy, nhưng dân chưa một lần dùng. Để lâu máy còn sống hay đã chết cũng chẳng có thợ mà xem. Giả dụ có máy tốt, có thợ cày ngồi ghế ngất ngưởng như tài xế “công nông” chạy ngoài đường cũng khó mà cày được ruộng bậc thang. Xã Pờ Ê được trang bị máy xay xát nhưng mới xay thử vài vòng, chưa hết một gùi lúa thì máy chết. Cho đến hôm nay máy vẫn nằm im như chết. Bà con lại “tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Một số xã vùng sâu chưa có điện, có máy sấy nông sản cũng như không. Tóm lại chỉ đơn cử một chuyện mới thấy cơ giới hoá còn phải đi nhiều bước lắm, không như có con trâu, con bò, quất roi đến véo một phát là đường cày mở liền. Trâu bò ăn cỏ miễn phí, không ngốn tiền xăng dầu như máy.

Nói thêm về lũ trâu bò. Xưa nay ca dao vẫn ca “Trâu ơi ta bảo trâu này - Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta - Cày cấy vốn nghiệp nông gia - Trâu đây, ta đấy, ai mà quản công - Bao giờ cây lúa còn bông - Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Thực ra đây là bài ca “mị trâu”. Trâu bò không yêu lao động lắm đâu. Chưa có bác thợ cày nào không tay cày tay roi cả. Véo một phát cháy mông là trâu phải kéo. Cũng chưa có chú trâu bò nào tự giác lao động. Con trâu dạy hổ trong chuyện cổ tích cũng chỉ là... cổ tích huyền thoại mà thôi!

Còn bà con ở huyện Kon Plông có ước nguyện gì trong tình hình máy cày phơi mưa nắng, không biết đến bao giờ mới vực được... nổ? Bác chủ tịch HĐND xã Hiếu thật thà cho hay: Bà con chỉ muốn đổi máy cày lấy trâu. Nghe mà cười ra... nước mắt. Ước mơ của chúng ta được viết thành thơ từ 50 năm trước: “Núi rừng có điện thay sao - Nông thôn có máy làm trâu thay người” đến nay vẫn chỉ là... thơ.