10 giờ sáng 2.10, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận hiện tượng lạ khi các cổ phiếu thủy sản bất ngờ tăng ồ ạt. Điều gì đang xảy ra vậy?
Dẫu điều gì đang xảy ra thì việc Obama phải đóng cửa Nhà Trắng, không ảnh hưởng gì đến việc những con cá tra vào thị trường lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam.
Cái đang đun nóng cổ phiếu thủy sản là cách bấm ngón tay của các doanh nhân trước kỳ vọng Chính phủ điều chỉnh tỷ giá thêm 2%. Tờ Sài Gòn Tiếp Thị tham khảo tính toán của một doanh nhân “Giá xuất khẩu trung bình hiện nay vào khoảng 3 USD/kg, tỷ giá tăng 2% đồng nghĩa với việc mỗi đôla thu về thêm 400 đồng nếu tính biên tham chiếu là 20.000 đồng ăn 1 USD”. Cụ thể hơn, “nếu tiền đồng phá giá thêm 2%, doanh nghiệp sẽ bỏ túi thêm ít nhất 1.200 đồng trên mỗi ký cá tra philê xuất khẩu”.
Trong khi đó, 40 tỷ đồng đang được xướng lên ở chính An Giang, khi chỉ một doanh nghiệp đã mua nợ của nông dân, ngay cả khi đã ép người ta bán lỗ 1.500 đồng mỗi kg.
Trong khi đó, ở Tiền Giang, những làng cá giống, những hộ cá giống đang điêu đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong khi đó, xuất hiện một dòng có tính chất đánh giá trong báo cáo của Tổng cục Thống kê “sản xuất cá tra gặp nhiều khó khăn với tình trạng thua lỗ kéo dài nên diện tích nuôi ngày càng bị thu hẹp”. Nông dân không nằm ngoài dòng chảy thời sự, nhưng những tác động tới họ, dù thị trường sóng yên bể lặng hay gió to bão lớn, đều chỉ có chung một thứ phải gọi là kết cục, hơn là kết quả.
Điều chúng ta đang chứng kiến thực sự là một nghịch lý: Trên cả nước xuất hiện cùng lúc 3 tình trạng: “Cá tra giống đầu rơi vào khủng hoảng thiếu. Giá bán cá thương phẩm thấp hơn giá thành sản xuất. Con cá rúc sâu vào bùn đen của khốn khổ vì khó tiêu thụ”. Trong khi đó, việc Chính phủ tại thị trường nhập khẩu lớn nhất đóng cửa, không những không làm hạ giá cá xuất khẩu mà còn khiến giá cá tăng. Và, trong khi DN đang đứng trước mối lợi tính bằng tỷ tỷ đồng từ việc điều chỉnh tỷ giá, thì nông dân vẫn bị nợ nần. Lợi nhuận nằm ở đâu đó trong két doanh nghiệp chứ đâu có vào túi nông dân.
Nhắc lại, một trong những nguyên nhân khiến Obama chấp nhận đóng cửa Chính phủ là vì ông từ chối mọi dự luật làm trì hoãn hay không cấp ngân sách cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhìn sang chuỗi giá trị ở Việt Nam, lờ lãi mà làm gì, hoạt động để làm gì nếu như những lờ lãi, những hoạt động đó không được chia sẻ cho những người trực tiếp sản xuất hàng chục năm nay vẫn chân lấm tay bùn mang về nguồn ngoại tệ xuất khẩu dự kiến có thể lên tới 6,5 tỷ USD trong chính năm mà họ trắng tay này!