Dân Việt

Đồng bào DTTS miền núi phía bắc: Khó tiếp cận khuyến nông

Thanh Xuân 09/09/2013 11:13 GMT+7
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) và Cơ quan Viện trợ Ireland vừa công bố nghiên cứu về khuyến nông cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của khuyến nông cho các tỉnh miền núi phía Bắc còn thấp, đồng bào DTTS khó tiếp cận.

Khuyến nông viên thiếu và yếu

Theo TS Hoàng Vũ Quang (Viện Ipsard) kết quả nghiên cứu của Dự án "Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi phía Bắc" cho thấy, thực trạng hoạt động khuyến nông còn nhiều tồn tại, bất cập. Hoạt động khuyến nông tại địa phương từ nhiều nguồn kinh phí nhưng việc triển khai các hoạt động ở cấp địa phương phần lớn do cán bộ khuyến nông nhà nước ở địa phương đảm nhận. Khuyến nông viên xã có vai trò quan trọng, nhưng năng lực yếu và thiếu là một trong những hạn chế lớn nhất của cán bộ khuyến nông xã hiện nay. Hiện có tới 11/63 tỉnh chưa có khuyến nông viên xã và 46 tỉnh chưa có cộng tác viên khuyến nông thôn bản.
Ở miền xuôi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào dịch vụ khuyến nông nhưng ở vùng cao lại rất hiếm.
Ở miền xuôi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào dịch vụ khuyến nông nhưng ở vùng cao lại rất hiếm.

Nghiên cứu của Ipsard cũng cho thấy, phần lớn cán bộ khuyến nông viên xã chỉ đóng vai trò phối hợp triển khai hoạt động do năng lực còn hạn chế. Đại bộ phận cán bộ khuyến nông viên xã có trình độ trung cấp (81% ở Điện Biên, 83% ở Cao Bằng), rất ít có trình độ cao đẳng và hiếm có bằng đại học. “Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các địa phương rất đa dạng nhưng cán bộ khuyến nông lại chỉ có năng lực chuyên môn đơn ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp), rất ít người thành thạo và có kinh nghiệm tổng hợp. Ngoài ra, các kỹ năng tổ chức nông dân, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị… lại chưa được chú ý trang bị cho cán bộ khuyến nông” -TS Hoàng Vũ Quang nhấn mạnh.

Hiện ở nhiều địa phương không có đầu mối quản lý nhà nước thống nhất về hoạt động khuyến nông; cơ chế đấu thầu dự án khuyến nông trung ương (theo Nghị định 02) chưa khuyến khích các trung tâm khuyến nông tham gia chủ trì và đầu tư vào vùng khó khăn và chưa hoàn toàn với tính chất phi lợi nhuận; mức độ tiếp cận dịch vụ khuyến nông của đồng bào DTTS hạn chế và không đồng đều…

Đồng bào bị “loại” khỏi cuộc chơi

TS Vũ Trọng Bình– Phó Viện trưởng Viện Ipsard cho biết, dù nông nghiệp nhiều năm liền được đánh giá là “cứu cánh cho nền kinh tế”, nhưng thực tế đã có sự tăng trưởng chậm lại và chủ yếu cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, giá các mặt hàng nông sản đã ngày càng giảm mạnh tới mức người dân không thể chịu đựng được nữa nên đã đến lúc phải chuyển sang cạnh tranh về chất lượng. Việc buộc nền nông nghiệp sản xuất theo chất lượng thì đồng bào dân tộc lại như bị “loại ra khỏi cuộc chơi” do việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật của họ bị hạn chế.

"Cần xây dựng cơ chế đặc thù, nội dung và phương pháp khuyến nông phù hợp với phương thức sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc miền núi”.
TS Hạ Thúy Hạnh


Thực tế cho thấy, khuyến nông là một công cụ quan trọng để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nhằm xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS và người dân khu vực miền núi. Tuy nhiên, sản xuất cũng rất đa dạng, ngay một huyện vùng cao cũng sản xuất rất nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, đòi hỏi dịch vụ cung ứng khuyến nông cũng phải đa dạng, nhưng khuyến nông nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu này. TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy và cơ chế cho hoạt động khuyến nông ở các tỉnh miền núi”. Bà Hạnh cũng đề xuất cần xây dựng cơ chế đặc thù, nội dung và phương pháp khuyến nông để phù hợp với phương thức sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc miền núi. Đặc biệt là phải sớm hoàn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy của hệ thống khuyến nông và có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ khuyến nông xã và cộng tác viên thôn bản.