Dân Việt

Bi thảm xuất ngoại mưu sinh: Nước mắt ngày về

01/01/2011 17:02 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều phụ nữ ở Thừa Thiên- Huế sau khi mưu sinh ở Lào trở về phải gánh chịu cảnh gia đình tan nát, hôn nhân đổ vỡ. Không ít người trở về quê nhà với sự hành hạ của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Nhiều người dân đánh giá chị N.T.A ở thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, là người phản phúc khi chị này bỏ chồng và 2 đứa con theo người đàn ông khác. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng hành động dứt áo ra đi của chị A là sự lựa chọn cuối cùng bởi chị đã phải gánh chịu quá nhiều vất vả, bất hạnh.

Đứt gánh hôn nhân

Hai năm trước, chị A và chồng là anh D.V.T để lại 2 đứa con cho mẹ chồng nuôi để qua tỉnh Savanakhet (Lào) làm thuê kiếm sống. Chị A làm nghề buôn bán, còn chồng làm thợ hồ. Ở nơi xứ người, thời gian đầu vợ chồng chị A đồng tâm hiệp lực, vắt mọi sức lực làm thuê với hy vọng có tiền gửi về nuôi con và có vốn để sau này về quê làm ăn. Tuy nhiên, sự hợp lực của cặp vợ chồng nghèo khó này chẳng tày gang... Được một thời gian chí thú làm ăn, anh T bắt đầu chểnh mảng công việc và sa chân vào rượu chè cùng các tệ nạn xã hội. Trở thành người phải gánh vác gia đình nhưng chị A vẫn cam chịu vì chị hy vọng chồng sẽ thay đổi.

Nhưng rồi hy vọng của chị A ngày càng tan biến theo thời gian mặc dù chị đã dùng mọi cách thức để níu kéo. Xót xa trước số phận hẩm hiu của mình, chị A bắt đầu chán nản mọi thứ. Đúng vào thời điểm này, một người đàn ông tốt bụng là một phụ xe người Việt ở Lào xuất hiện và chia sẻ nỗi buồn, động viên chị... Sự đồng cảm, chia sẻ này đã đưa họ đến bên nhau. Một ngày nọ, người làng thấy chị A trở về trong nước mắt giàn giụa rồi ra đi theo người phụ xe, biền biệt từ đó đến nay.

Từ ngày mẹ bỏ đi, 2 đứa con nhỏ của chị A ngày càng ốm yếu mặc dù đã có sự chăm sóc tận tình của bà nội. Dù còn nhỏ nhưng những đứa trẻ này hiểu rằng, việc mất mẹ không gì có thể bù đắp được và là vết thương lớn về tinh thần sẽ theo chúng suốt đời.

Chuyện đứt gánh hôn nhân của chị A không phải là trường hợp hy hữu trong số những phụ nữ ở Thừa Thiên - Huế di cư sang Lào mưu sinh. Nguyên nhân của tình trạng đổ vỡ này có thể do hoàn cảnh thay đổi khiến tình cảm giữa vợ và chồng thay đổi theo, nhưng chủ yếu nhất vẫn là do những người phụ nữ bị phụ bạc, bị chồng ghen tuông mù quáng sau khi mưu sinh nơi xa xứ trở về.

“Ết” về làng

Trường hợp nhiễm HIV trẻ tuổi nhất cho đến thời điểm hiện tại ở xã Lộc Bổn được xác định là một thiếu nữ từng đi Lào, tên L, 17 tuổi. L là con thứ 3 trong một gia đình có thâm niên đi Lào ở thôn Thuận Hóa. Ngôi nhà của gia đình L được xây sơ sài bằng gạch bờ lô, nằm gần cuối thôn. Từ phía sau căn bếp xiêu vẹo, chị T, mẹ L, cũng vừa từ tỉnh Salavan về thăm con ủ rũ bước đi ra đón khách. Giọng buồn thảm, bà T cho biết, gia đình bà có 3 người con thì 2 đứa bỏ học đi Lào làm thuê từ nhỏ. “Hơn 1 năm nay, L được vợ chồng tui cho về nhà ở với anh trai để chữa bệnh”- mẹ L thở dài...

Theo một cán bộ địa phương, L bị lây nhiễm HIV sau khi bị hãm hiếp trong thời gian làm thuê ở Lào. Từ khi về nước, L thường xuyên được câu lạc bộ những người nhiễm HIV của tỉnh đến thăm hỏi, động viên. Tuy nhiên, L rất ngại tiếp xúc với bà con lối xóm nên nhà luôn đóng cửa kín mít. Bà Đoàn Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Bổn cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện toàn xã đã có hơn 20 trường hợp nhiễm HIV/AIDS có liên quan đến việc đi Lào, 11 người trong số này đã tử vong. Riêng tại thôn Bình An, hiện có 2 phụ nữ đã bị nhiễm bệnh giai đoạn cuối và đang chờ ngày khuất núi...

Tình trạng người dân nói chung và phụ nữ đi Lào bị nhiễm HIV/AIDS nói riêng gia tăng đang khiến nhiều làng quê ở Thừa Thiên- Huế náo động. Tại xã Lộc Sơn, hiện đã có gần 10 người nhiễm HIV, trong đó có 3 phụ nữ từng đi Lào.

Cần sự hỗ trợ

Trên thực tế, ở nước ta, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo cơ chế thị trường, lao động nông thôn dư thừa nhiều, trong khi thiếu cơ sở sản xuất tại địa phương khiến nhiều lao động phải rời quê tìm kế sinh nhai. Ở Thừa Thiên- Huế, tốc độ phát triển kinh tế còn chậm nên số lao động dư thừa rất lớn, trong đó một lao động nữ.

Theo GS.TS Bùi Thị Tân - Trường ĐH Khoa học Huế, người từng thực hiện một đề tài nghiên cứu về phụ nữ di cư, trong đó có phụ nữ di cư sang Lào, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải tăng cường hỗ trợ ở cả nơi đi và nơi đến cho phụ nữ di cư. Giải pháp quan trọng nhất là làm thế nào để nông thôn có được “sức hút” lao động ở lại quê, muốn vậy phải có đầu tư giúp nông thôn phát triển các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động. Cần có các dự án phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy sản xuất hàng hóa giúp lao động nông thôn nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng có thu nhập bằng tiền mặt một cách thường xuyên để hạn chế sự ra đi của họ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên- Huế và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Savannakhet (Lào) vừa ký kết hợp tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn đi làm ăn xa. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ thông tin và điều phối công tác hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em Thừa Thiên- Huế đang làm ăn tại Savannakhet, góp phần đẩy mạnh việc hỗ trợ các nạn nhân đi làm ăn xa bị buôn bán, bị bóc lột và quấy rối tình dục, bóc lột lao động tại Lào…

Tình trạng người dân nói chung và phụ nữ đi Lào bị nhiễm HIV/AIDS nói riêng gia tăng đang khiến nhiều làng quê ở Thừa Thiên- Huế náo động. Tại xã Lộc Sơn, hiện đã có gần 10 người nhiễm HIV, trong đó có 3 phụ nữ từng đi Lào.