Thấy có lợi, nhiều người dân đổ dồn nuôi nhím hình thành nên phong trào nuôi nhím rầm rộ khắp các vùng ngoại thành. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển ồ ạt, phong trào nuôi nhím đã lắng xuống, nhím giống bán không được giá, trong khi thị trường nhím thịt cũng đang bị bão hòa. Người nuôi đang lo lắng về đầu ra của nhím nên dù đã có cơ sở sẵn, nhưng nhiều người không dám mở rộng chuồng trại, thậm chí còn thu hẹp lượng nhím nuôi.
Cả nhím giống lẫn nhím thịt đều khó tiêu thụ
Ông Nguyễn Văn Vàng, ở phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) cho biết đàn nhím hiện nay của gia đình ông khoảng 120 con. Trong đó nhím giống là 40 cặp, nhím con là 20 cặp. Năm 2008, gia đình ông đã bỏ ra 200 triệu đồng mua 12 cặp nhím giống, nuôi trong 1 năm thì sinh sản, lúc đó gia đình ông chỉ bán nhím giống với giá từ 12–15 triệu đồng/cặp.
Thấy được lợi nhuận, gia đình ông đã mạnh dạn mua tiếp những con nhím cái sinh sản để tăng đàn. Trong vòng 3 năm đầu thì gặp nhiều thuận lợi trong việc tiêu thụ nhím giống. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 2012 thì việc tiêu thụ nhím giống bị ách tắc.
“Đàn nhím sinh sản liên tục, nhưng nhà tôi chỉ bán nhím thịt chứ không còn bán giống được nữa. Cái khó của người nông dân hiện nay là bỏ thì thương vương thì tội. Chỉ mong khi giá ổn định trở lại thì mới dám tăng đàn”- ông Vàng nói.
Còn bà Đào Thị Vải, ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cũng cho biết, thời “hoàng kim” của người nuôi nhím đã qua. Đến với nghề nuôi nhím từ khá sớm (năm 2004), vào thời hưng thịnh, gia đình bà liên tục xuất nhím giống cho các hộ nuôi nhím trong khu vực với thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Theo bà, những năm đó nhím được xem là tài sản lớn của gia đình, do cơn sốt nhím giống nên nhà bà chỉ bán nhím giống, chứ không bán nhím thịt. Lúc đó bà bán một cặp nhím với giá cả 30 triệu đồng, sau đó xuống 15 triệu đồng/cặp; còn hiện nay khoảng 7 triệu/cặp nhưng người mua nhím giống rất ít. Chính vì vậy, nhiều hộ dân dù vẫn bám nghề nhưng duy trì nuôi cầm chừng chờ chuyển biến tích cực từ thị trường.