“Siêu đề án” ra đời ngày 27.11.2009, dự kiến sẽ tác động tới hơn 10 triệu lao động nông thôn đã đi được chặng đường hơn ¼ thời gian triển khai (kết thúc vào năm 2020). Kết quả, đến nay đã có 1.088.393 lao động nông thôn được đào tạo nghề; 78,9% sau đào tạo có việc làm, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn.
Một lớp dạy nghề trồng nấm rơm tại huyện Krông Ana, Đăk Lăk.
Nhiều cách làm hayThứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Nguyễn Ngọc Phi cho biết, nhiều tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân với cách làm bài bản, như tỉnh Bắc Giang với mô hình chăn nuôi gà đồi Yên Thế; Bắc Kạn với mô hình phát triển cây dong riềng; Hà Nam, Hậu Giang với mô hình nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học; Quảng Ngãi, Khánh Hòa đào tạo nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu cá...
Trong các mô hình, được chú ý nhất là cách làm của Bắc Giang khi hướng nông dân học nghề nuôi gà. Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, từ năm 2010-2012, hơn 400 nông dân đã được học nghề nuôi gà đồi, hầu hết bà con vận dụng được kiến thức để mở rộng chăn nuôi. Có nhiều hộ nuôi 1 lứa trên 5.000 con... Xác định dạy nghề gắn với phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu, UBND tỉnh đã họp và triển khai 5 sở phối hợp tìm thị trường, hướng dẫn nông dân phòng chống dịch bệnh, cấp sở hữu thương hiệu... “Với cách làm này, nông dân chuyển dần từ chăn nuôi không tập trung sang chăn nuôi tập trung có kiểm soát, tạo vùng hàng hóa. Kết quả có 1.052 hộ dân tham gia, quy mô nuôi trung bình 5 triệu con/năm, có hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Hiện mô hình nuôi gà đồi đã được nhân ra 5 huyện có điều kiện tự nhiên tương tự Yên Thế”- ông Linh cho hay.
Tương tự, tại Yên Thành, Nghệ An cũng tổ chức 15 lớp dạy nghề trồng nấm cho hơn 500 nông dân. Ông Nguyễn Tiến Lợi- Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năm đầu, huyện hỗ trợ giống nấm cho bà con, đồng thời huy động Phòng Công Thương tìm kiếm thị trường, kết nối đầu ra cho bà con. Tới năm thứ 2, một số xã vẫn duy trì được hầu hết số hộ làm từ năm đầu. Hiện chúng tôi đã tìm được nguồn bán ổn định ở Sóc Trăng”.
Nhìn thẳng vào khó khănTuy nhiên, phản hồi từ nhiều tỉnh khác cho thấy “công cuộc” dạy nghề cho lao động nông thôn còn nhiều gian nan. Trong đó khó khăn nhất là giải ngân, tài chính. Như năm 2012, việc giải ngân chậm dẫn tới một số tỉnh mở lớp ồ ạt dạy cho đủ chỉ tiêu. Điển hình như ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang), chỉ trong 3 tháng cuối năm mở tới 40 lớp, học viên phải học cả buổi tối. Ông Tống Huy Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cũng phải thừa nhận “chạy theo số lượng là chính, chất lượng không thể đảm bảo”.
Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch T.Ư Hội ND Việt Nam: Gắn dạy nghề với sản xuất giỏi 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của đề án, các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân của Hội đã được bổ sung thêm giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng. 56 cơ sở dạy nghề thuộc Hội đã trực tiếp dạy nghề cho 106.000 nông dân, trong đó 92.000 nông dân có việc làm ổn định và có thu nhập khá, đạt gần 87%. Mô hình của Hội Nông dân là gắn dạy nghề với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Những người giỏi cũng tham gia dạy nghề và thành lập những tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
|
Còn tại xã Chiềng Đông (huyện Yên Châu, Sơn La) mở 2 lớp trồng nấm cho 60 nông dân thì hiện chỉ còn 2 người lay lắt làm nghề. Ông Hoàng Xuân Mới - nông dân xã Chiềng Đông cho biết: “Chúng tôi trồng nấm ra không biết bán cho ai. Trước có một công ty nhận bao tiêu nhưng xa xôi quá họ cũng ít lên”.
Ông Nguyễn Ngọc Phi thừa nhận một thực tế nữa là lãng phí thời gian học. Ví dụ như mở các lớp dạy nghề trồng cà phê ở Tây Nguyên: “Nông dân trồng cà phê kỹ thuật còn giỏi hơn thầy, cái họ cần là kiến thức để sơ chế, chế biến sau thu hoạch, tìm thị trường, chỉ cần đào tạo 2 tuần là ổn, nhưng lớp vẫn kéo dài 3 tháng. Lãng phí này khó tính toán”.
Nhìn từ góc nhìn vĩ mô, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra 6 vấn đề liên quan tới “đầu vào” của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông nêu tỷ lệ học xong có việc làm ở Yên Bái chỉ là 16%, trong khi các tỉnh “hàng xóm” là Lào Cai là 70%, Bắc Kạn 80%; tỷ lệ học xong có việc ở Ninh Bình 56%, 2 tỉnh “hàng xóm” là Thái Bình tỷ lệ là 100%, Nam Định 95%. “Ở đấy có vấn đề về số liệu, cần phải rà soát lại, các tỉnh cũng cần trao đổi kinh nghiệm với nhau” - Phó Thủ tướng nói.
Nhiều ý kiến cho rằng phải hoàn thiện cơ sở vật chất mới dạy tốt được. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải chi sao cho hiệu quả. Thực tế một số tỉnh xây cơ sở dạy nghề rồi bỏ không, có tỉnh mua thiết bị rồi nhưng chưa dùng, 2 tỉnh đã chi lãng phí, có sai phạm, nên cần lưu ý để giám sát. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các tỉnh phải có quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, không tổ chức dạy và học khi không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động với tay nghề có được sau khi học.
Trước những thông tin về lãng phí trong đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề, và việc thành lập trung tâm dạy nghề cấp huyện là không cần thiết, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng nơi nào làm sai, nơi đó phải chịu trách nhiệm.