Một số trường đã chấm xong môn tự luậnMôn thi tự luận chủ yếu thi vào đợt 2 (ngày 9,10.7) nhưng tới giờ một số trường đã chấm xong 2/3, trong đó có Trường ĐH Văn hóa. Tiến sĩ Nguyễn Việt Hương - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: “Môn địa lý đã chấm xong, môn văn chấm được 2/3 số bài thi. Tuy nhiên, ban chấm thi chưa đánh giá điểm số của TS và còn chờ điểm của các môn khác nên chưa thể đưa ra dự kiến điểm chuẩn”.
Thí sinh tham dự kỳ thi ĐH, CĐ 2013.
Theo một cán bộ chấm thi (xin được giấu tên) tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhiều TS không làm được bài thi môn văn. Có TS chỉ viết được 1 mặt giấy, một số khác viết được 2-3 tờ nhưng không được điểm nào vì lạc đề và quá lan man, dài dòng, không đi vào trọng tâm câu hỏi. Cán bộ chấm thi này cho biết thêm, ở câu nghị luận xã hội xuất hiện những bài làm rất ngô nghê, thậm chí khiến người chấm có cảm giác TS này chưa từng làm một bài văn dạng nghị luận xã hội.
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng cho biết: “Môn toán đã chấm xong 60% lượng bài. Đã xuất hiện điểm 10 và nhìn chung điểm thi của các TS có nhỉnh hơn năm ngoái, vì vậy nhiều khả năng điểm chuẩn cũng sẽ cao hơn”. Dự kiến ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ hoàn thành công tác chấm thi và công bố điểm?vào 21.7. Trước đó, Trường ĐH Ngoại thương cho biết đã chấm xong môn tự luận là môn văn khối D từ ngày 16.7, có 14 TS đạt điểm 9 và 778 TS đạt điểm 8 trở lên. Phổ điểm trung bình TS thi vào Trường ĐH Ngoại thương năm nay với môn văn là 7 - 8 điểm. Đối với môn toán khối D, đã có hàng chục bài thi đạt điểm 10. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, trong mỗi túi bài thi cũng có nhiều điểm thấp và đó là những bài thi của TS thi nhờ vào trường. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã chấm gần xong môn toán nhưng chưa có điểm 10 nào. Điểm cao nhất là 8, phổ điểm trung bình của các bài thi là 5. Môn văn điểm cao nhất là 7,5 điểm. Điều đáng lo ngại là có nhiều bài thi để giấy trắng hoàn toàn.
Riêng các môn thi trắc nghiệm, nhiều trường phải nhờ tới máy chấm của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) nên buộc phải chờ đợi có đủ điểm mới có thể ghép, công bố điểm của từng khối.
Khó khăn trong khâu chấm hậu kiểmKhác với mọi năm, năm nay, Bộ GDĐT yêu cầu các trường tổ chức chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận. Ngoài việc thành lập ban chấm thi chính, mỗi trường phải lập thêm một ban chấm kiểm tra do một phó hiệu trưởng làm trưởng ban. Theo ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT), quy trình chấm kiểm tra sẽ theo cách thức chấm “đuổi” tiến độ chấm thi, ví dụ ban chấm thi chấm được 1.000 bài của môn thi tự luận nào đó thì Ban chấm kiểm tra chấm “đuổi” là 50 bài. Quy định này khiến không ít trường cảm thấy khó khăn. PGS -TS Đinh Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn lo lắng: “Phần lớn cán bộ chấm thi các môn tự luận nhà trường phải thuê bên ngoài, chủ yếu là giáo viên THPT. Việc chấm kiểm tra đồng nghĩa với việc nhà trường phải thuê thêm nhân lực, và chắc chắn sẽ tốn kém hơn nhiều so với các năm trước”.
Theo lịch của Bộ GDĐT, trước 20.8, các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển cho các sở GDĐT, để các sở GDĐT gửi cho TS. TS được cung cấp thông tin về điểm thi miễn phí. |
“Năm nay toàn trường có tới 7.728 TS dự thi, như vậy số bài thi rút ra để chấm kiểm tra cũng lên tới gần 400 bài, một con số không hề nhỏ. Với những trường khác đông TS dự thi hơn thì số bài thi chấm hậu kiểm lên tới con số hàng nghìn. Như vậy nhà trường sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn cho việc này” -bà Mai nói thêm.
Tuy nhiên, theo bà Mai, tốn kém nhưng nếu việc chấm hậu kiểm đảm bảo được tính trung thực, khách quan của kết quả chấm thi thì đó là điều nên làm.