Thưa ông, đến thời điểm này chúng ta đã có thể thở phào vì siêu bão này sẽ không ảnh hưởng lớn đến nhiều địa phương như dự báo?
- Không. Về cấp độ thì bão số 14 có giảm nhưng phạm vi ảnh hưởng còn rất rộng và hết sức phức tạp. Bản tin cập nhật cuối cùng của chúng tôi cho biết, rạng sáng 11.11 thay vì ảnh hưởng từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa như dự báo, bão số 14 sẽ đổi hướng lệch dần và đổ bộ vào các tỉnh đông bắc nước ta (Thái Bình, Hải Phòng,Quảng Ninh) trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão vẫn đạt cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75- 102km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Nghĩa là cơn bão này vẫn có khả năng gây ra những thiệt hại rất nặng nề nếu chúng ta không có ứng phó kịp thời.
Siêu bão này phức tạp ở chỗ nào?
- Phức tạp ở chỗ là quỹ đạo, đường đi của bão liên tục thay đổi. Thời điểm siêu bão vào Biển Đông, chúng tôi dự báo nó sẽ đi vào các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, bão không vào khu vực này mà chạy rà rà dọc theo biển các tỉnh từ Thừa Thiên -Huế đến Thanh Hóa. Nếu đổ bộ trực tiếp vào ven biển Trung Bộ, từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng thì cường độ bão rất mạnh, cấp 14 - 15, có sức hủy diệt lớn, nhưng do chạy dọc ven biển phía bắc nên khả năng giảm cấp. Với vận tốc khoảng 30 - 35km/giờ, sáng 11.11, bão Haiyan sẽ nằm trên vùng bờ biển các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ, với sức gió tối đa 102km/giờ (cấp 10).
Sự phức tạp thì đã rõ nhưng sao gọi là cơn bão xưa nay hiếm?- Thực tế thì thế giới chưa từng ghi nhận những cơn bão mạnh khủng khiếp như vậy.?Và khi cơn bão này vào Biển Đông, nó vẫn là siêu bão, mạnh chưa từng có ở Việt Nam. Sức gió của bão Haiyan đạt trên 300km/giờ, đỉnh điểm có thể đạt 360km/giờ, trong khi một siêu bão bình thường, cấp gió chỉ cỡ khoảng 160 km/giờ. Còn khi bão vào bờ, cấp gió sẽ giảm bớt đi nhưng sức tàn phá của nó vẫn sẽ hết sức kinh hoàng, ít nhất là cũng sẽ bằng cơn bão Xangsane và bão Thủy Tinh những năm trước đây.
Vậy nếu bão đổ bộ, người dân cần phải làm gì để phòng tránh?- Cách phòng tránh thì chúng ta đã tuyên truyền từ mấy ngày hôm nay. Nhưng theo tôi biện pháp tốt nhất vẫn là di dời dân ở vùng khả năng ảnh hưởng của bão, vùng nguy hiểm; neo chắn nhà cửa, tàu thuyền; không ra khỏi nhà khi có bão... Đặc biệt cần hết sức lưu ý là bão mang lượng ẩm lớn, gây mưa to, khả năng úng ngập, lũ lớn là có thể xảy ra. Nói chung, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, khinh suất với cơn bão này.
Khi dự báo về cơn bão này, công tác dự báo có gặp nhiều khó khăn không?
- Rất khó khăn. Chúng tôi chưa gặp cơn bão nào phức tạp, dị thường như vậy. Đây là cơn bão mạnh ngoài sự tưởng tượng trong khi quỹ đạo đi thì liên tục thay đổi. Do đó công tác dự báo cũng phải liên tục thay đổi cùng với bão.
Xin cảm ơn ông.