Dân Việt

“Ăn mòn” rừng Sơn La

Kiều Thiện 04/12/2013 06:57 GMT+7
Chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây, tỉnh Sơn La đã mất đi hàng ngàn ha rừng bởi nhiều nguyên nhân. Những diện tích rừng còn lại cũng bị “bạc màu” nhanh chóng và rất khó khăn trong công tác bảo vệ.
Đủ kiểu “ăn” rừng

Sự phát triển của cuộc sống hiện đại ngày càng có nhu cầu lớn về gỗ tự nhiên dẫn tới việc khai thác bất hợp lý để điều tiết giữa các vùng, miền. Sự tăng dân số tại chỗ nhanh cũng thúc đẩy nhu cầu khai thác rừng để làm nguồn sống, tạo đất sản xuất, lấy gỗ dân dụng. Sự vô tâm của một người sử dụng lửa, nhất là khi đốt nương làm rẫy có thể thiêu đốt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha rừng.

Phóng viên (trái) trao đổi với những hộ dân đi vác gỗ thuê  cho lâm tặc ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, Sơn La.
Phóng viên (trái) trao đổi với những hộ dân đi vác gỗ thuê cho lâm tặc ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, Sơn La.

Một trong những lý do mất rừng khác tuy với tốc độ chậm, diện tích nhỏ nhưng tính chất xâm thực rừng bền bỉ chính là việc nông dân lấn rừng làm đất sản xuất. Việc này xảy ra ở tất cả 12/12 huyện, thành phố của Sơn La. Mới đây, toà án Sơn La đã tuyên phạt hàng chục bị cáo là nông dân tại TP.Sơn La, huyện Quỳnh Nhai, Mộc Châu... đã vi phạm lấn đất, phá rừng để làm nương, với mức án đau lòng: Từ 3 năm tù trở lên. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha- ông Trần Ngọc Tân thì: “Đó là điều không ai mong muốn. Chúng tôi là những người giữ rừng nhưng cũng rất đau lòng khi thấy nông dân bị phạt tiền, phạt tù chỉ vì mưu sinh. Nhưng luật là luật...”.

Ông Đặng Văn Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn thật thà: “Kiểm lâm chúng tôi rất ngán kiểu lấn rừng của nông dân. Họ đã hiểu luật nên chỉ xâm hại với diện tích nhỏ mà luật quy định không xử lý hình sự. Còn xử phạt hành chính thì xử rất nhiều nhưng có thu được tiền đâu vì dân nghèo lấy gì mà nộp”.

Người giữ rừng không sống nổi...

Ánh mắt già nua của lão nông người dân tộc Mông ở bản Suối Khang- ông Vàng A Mang, người thường xuyên tham gia vác gỗ luồn rừng cho lâm tặc, nhìn tôi chớp chớp và ông hỏi lại: “Tôi bảo vệ 1ha rừng thì 1 năm chỉ được thanh toán hỗ trợ có 113.000 đồng. Nếu đi vác gỗ thuê cho lâm tặc, một thanh gỗ đưa từ rừng ra đến điểm tập kết, đi vừa hết một ngày thì được 200.000 - 250.000 đồng. Nếu là nhà báo thì làm việc gì sẽ có đủ ăn?”. Câu hỏi của lão Mang làm tôi lúng túng thật sự.

Kiểm lâm khi bắt dân vác gỗ cũng phải nhẹ nhàng mà răn đe, giảng giải như thầy giáo gặp học sinh hư, cốt sao thu được lấy gỗ mang về. Nếu có xử phạt hành chính thì chỉ là lấy lệ bởi dân làm gì có tiền mà nộp phạt.

Ai cũng biết rằng lâm tặc hầu như không thể tự phá rừng mà bắt buộc phải có một lực lượng dân sở tại canh chừng, vận chuyển gỗ từ địa điểm đốn hạ ra đến bãi tập kết. Không chỉ dân bản Suối Khang mà nhiều dân bản khác quanh các khu rừng cũng đều làm thuê, tiếp tay cho lâm tặc để lấy một khoản phí theo thoả thuận.

Số lượng người làm thuê thường là rất lớn, có khi chiếm hầu hết cả bản nên ai đó có muốn phản đối cũng không dám ra mặt. Một trong những lão nông ở Quỳnh Nhai khi giúp tôi đi điều tra vụ phá rừng nghiến từng năn nỉ: “Nhà báo phải đóng giả người đi buôn trâu, bò hay nông sản. Phải giữ kín cho tôi. Nếu họ biết thì tôi thật khó sống với họ”.

Có một thực tế là lực lượng người dân làm thuê cho lâm tặc sẵn sàng bảo vệ lâm tặc khi bị kiểm lâm truy đuổi, thậm chí họ tham gia tấn công kiểm lâm. Còn kiểm lâm, khi bắt gặp những người dân nghèo khổ, đi vác gỗ thuê thì cũng rất nao lòng bởi thừa biết những chủ rừng này phải tham gia vác gỗ thuê là vì mưu sinh. Họ đi cả ngày đường, gối mỏi, chân run, è vai vác gỗ trong khi bụng đói cũng chỉ là để đổi lấy ngày mai được bữa no...