Vào khoảng 5 giờ sáng 23.8, tại Km 62+ 300 đến Km 62+ 350, trên tuyến Quốc lộ 279, đoạn đi qua địa phận xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã xảy ra sự cố sạt lở vách núi, khối lượng đất đá ước tính lên đến khoảng trên 60.000m3 ở độ cao 50m đổ sập xuống mặt đường.
Vụ đồi trôi, núi lở đã làm tê liệt hoàn toàn tuyến giao thông nối liền tỉnh Điện Biên với các tỉnh miền xuôi trên Quốc lộ 279.
Hành khách vượt qua đống đất đá sạt lở trên Quốc lộ 279.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại hai điểm đầu đoạn đường sạt lở có hàng trăm phương tiện giao thông đến địa điểm này đã phải dừng lại, nối đuôi nhau nằm chờ trên suốt chiều dài gần 1km.
Nhiều xe tải hạng nhỏ, xe ôtô 4 chỗ và xe máy đã phải quay đầu trở lại tìm các đường phụ khác để đi qua. Hàng trăm hành khách của những chuyến xe tuyến Hà Nội- Điện Biên đã phải rời xe để vượt hành trình leo dốc qua điểm sạt lở, bắt xe ôm về trung tâm thành phố.
Một con suối nằm ở độ sâu khoảng hơn 20m so với mặt đường Quốc lộ cũng bị biến dạng dòng chảy bởi hàng ngàn khối đất đá, cây cối đổ xuống. Rất may, đập nước của Nhà máy thủy điện Thác Bay không bị ảnh hưởng, do nằm cách điểm sạt lở khoảng 200m.
Hiện nay, chính quyền tỉnh Điện Biên cùng các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) vẫn chưa xác định được sự cố sạt lở trên có gây nên thương vong đối với người đi đường hay không.
Theo ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn cho biết điểm sạt lở là một quả đồi, nơi đây trong nhiều năm qua, người dân trên địa bàn thường trồng cây dong riềng để phát triển kinh tế gia đình. Vào thời điểm xảy ra sự cố cũng là lúc bà con trong xã đi về thành phố Điện Biên Phủ họp chợ, mua bán.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đường bộ 226 và các ngành chức năng của tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường cùng Công ty chỉ đạo triển khai lực lượng và thiết bị xử lý điểm sạt, đồng thời tìm phương án thông đường sớm nhất.
Theo ông Trần Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường bộ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đường bộ 226, để khắc phục sự cố này, công ty đã huy động năm máy xúc, một máy ủi để thực hiện việc san, ủi. Dự kiến ít nhất ba ngày sau mới tạm thời thông xe được, còn khắc phục hoàn toàn sự cố thì phải mất thời gian lâu hơn.
Hiện tại, để đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc lộ huyết mạch trọng yếu này, cơ quan chức năng đã tiến hành thực hiện phương án phân luồng tại bốn điểm trên toàn tuyến thành phố Điện Biên Phủ đi huyện Tuần Giáo. Tại các điểm phân luồng này đều có người túc trực, đứng chốt để hướng dẫn, điều tiết các phương tiện tham gia giao thông.
Để đảm bảo an toàn, rất có thể cơ quan chức năng sẽ tiến hành cắt điện toàn hệ thống đường điện cao áp chạy phía trên đồi.