Vụ án đã kết thúc, Liên phải trả giá cho hành động của mình, nhưng không
ít người vẫn xót xa: “Sao lại nỡ đối xử với người từng chung chăn gối
với mình như vậy?”.
Người tốt ra đi
Tôi chỉ bằng tuổi con ông Trần Xuân Chuyên (nguyên trung tá CSGT đội Phú
Lâm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM). Mặc dù không
thân, nhưng, trong quá trình công tác, có đôi lần tôi đã tiếp xúc, trò
chuyện với người đàn ông này. Ông là người hiền lành, dáng cao to, giọng
nói ấm khiến cho người đối diện khá thích thú. Trong những cuộc trò
chuyện, ông hiếm khi nhắc đến vợ của mình, nhưng lại nói liên hồi về
người mẹ già đang ở quê.
Tuy nhiên, có một lần, ngồi nhậu, hơi men chếnh choáng, có lẽ buồn quá
nên ông đã khóc. Ông khóc như chưa hề được khóc. Lúc đó, ông không nhắc
đến mẹ mà chỉ thủ thỉ về người vợ của mình. Ông bảo, là một cảnh sát,
bắt bớ nhiều người, làm việc tốt cũng không ít nhưng không thể “cải tạo”
được vợ.
Liên ngã quỵ, không đi nổi khi hay tin y án
Khi được hỏi, tại sao vợ lại cần “cải tạo”, đôi mắt ông buồn
bã: “Vợ tôi đã một lần bị kết án tù treo vì trộm cắp tài sản. Tôi buồn
lắm, đau lắm có dám nhìn ai đâu. Cứ ngỡ cô ấy sẽ thay đổi, nhưng gần
đây, tôi phát hiện cô ấy còn nghiện đề đóm”. Nhiều lần, vợ vay tiền, chủ
nợ đến đòi, ông luôn phải đưa tiền để trả. Mỗi lúc như thế, ông lại hy
vọng: “Có ngày cô ấy sẽ thay đổi”. Tuy nhiên, giang sơn dễ đổi, bản tính
khó dời, vợ ông vẫn không suy chuyển. Cũng trong lần đó, ông nói rất
nhiều về hai đứa con trai. Ông bảo: “Cuộc đời này tôi có hai đứa nó theo
nghề là đã mãn nguyện”.
Vào sáng 13.3 năm ngoái, trong khi đang đi công tác ở miền Tây, một
người bạn gọi điện bảo: “Ông Chuyên chết rồi mày ạ!”. Làm báo, phải đối
diện với rất nhiều hung tin, thế nhưng, khi hay tin ông qua đời, tôi
buồn lắm. Buồn như đó chính là người thân của mình vậy. Tức tốc trở lại
thành phố, lên nhà, nhưng lúc này, công an đang kiểm tra hiện trường
không cho vào. Thông tin mù mờ xuất hiện, có thể, ông tử vong là do bị
đầu độc mà người ra tay chính là vợ ông, bà Dư Kim Liên (45 tuổi, phường
11, quận 6, TP.HCM).
Hôm đi điếu, mẹ của ông Chuyên là cụ Trần Thị Út (76 tuổi) khuôn mặt đầy
vết chân chim, người rệu rã, mắt buồn bã nhìn làn khói hương mà không
cầm được nước mắt. Bà bảo: “Hay tin con trai tử vong, chưa biết điều gì,
nhưng tôi đã nghi ngờ, con dâu có liên quan trong vụ này”. Bắt xe từ
Bình Định vào đến TP.HCM, bà hỏi con dâu: “Mày có làm gì thằng Chuyên
không?”. Liên ngồi im lặng khá lâu, khóc rồi bảo: “Dạ không”. Dù vậy,
trong thâm tâm người mẹ, bà linh tính, cô con dâu chắc chắn đang giấu
giếm mình điều gì đó.
Ngay hôm sau, Liên đã thừa nhận mình chính là kẻ đầu độc, sát hại chồng.
Tòa soạn yêu cầu đi viết về cái chết oan uổng của ông, nhưng, tôi từ
chối vì không đủ can đảm để khai thác thông tin, chấp bút viết về một
người đã quen.
Lỗi đạo phu thê
Trong một lần trò chuyện, cán bộ tham gia điều tra vụ án này vẫn không
thôi xót xa về cái chết của đồng nghiệp. Người này nhớ lại, vào sáng
13.3.2012, đội CSGT Phú Lâm nhận được tin báo từ bà Liên: “Anh Chuyên tử
vong rồi”. Ngay lập tức, đội CSGT Phú Lâm xuống thăm hỏi gia đình đồng
chí quá cố. Lúc này, Liên khóc lóc, gào thét một cách thảm thiết như
đang đau xót lắm về sự ra đi của chồng. Tuy nhiên, người vợ một mực đòi
đưa thi thể của ông Chuyên đi mai táng gấp ở Củ Chi. Kinh nghiệm trong
quá trình công tác, công an nghi ngờ có điều gì đó bất thường từ người
phụ nữ này. Một đồng chí bí mật đến cơ quan công an quận 6 nhờ làm rõ
nghi ngờ của mình.
Điều tra viên quận 6 xuống, bà Liên vẫn than khóc thảm thiết. Tuy nhiên,
khi đến gần thi thể ông Chuyên, điều tra viên ngửi thấy có mùi thuốc
trừ sâu thoang thoảng, sờ nắn khắp người còn phát hiện có nhiều chấm nhỏ
li ti ở tay, mông… Nghi ngờ ông Chuyên bị đầu độc, công an tiến hành
khám nghiệm phòng riêng thì phát hiện có vết máu trên tấm drap trắng.
Khi công an có ý định đưa tấm drap đi giám định thì Liên chuyển từ khóc
sang giả điên giả dại với tà tâm cản trở. Bên cạnh đó, công an còn phát
hiện một bao ni-lông có chứa ba chai thuốc trừ sâu và một vài ống tiêm
đã qua sử dụng.
Khi mọi sự nghi ngờ được đẩy lên đỉnh điểm, bà Liên được mời về cơ quan
điều tra làm việc. Ban đầu, Liên chối đây đẩy, bảo mình không hề liên
quan đến cái chết của chồng. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ, công an đã buộc
thị phải cúi đầu nhận tội. Thị khai, do nợ nần nhiều nên nảy sinh ý định
sát hại chồng rồi đem bán căn nhà để trả nợ.
Ngày 11.3.2012, biết chồng sẽ đi uống rượu, Liên đến tiệm thuốc tây mua
10 viên thuốc ngủ, một bơm kim tiêm y tế và một đôi bao tay. Khoảng 21
giờ cùng ngày, thị tán 10 viên thuốc ngủ hòa tan với sữa rồi đưa cho ông
Chuyên uống. Cứ ngỡ ông Chuyên đã tử vong, nhưng sáng hôm sau, thấy
chồng vẫn còn thở, Liên đã đến đội CSGT Phú Lâm xin phép cho chồng nghỉ
một ngày rồi vào tiệm thuốc mua tiếp năm viên thuốc ngủ, một ống tiêm
mang về nhà. Sau đó, Liên tiếp tục tán thuốc ngủ hòa với nước rồi đổ vào
miệng chồng.
Liên không thôi khóc lóc trong suốt phiên toà
Đến 20 giờ cùng ngày, thấy có vẻ thuốc ngủ không giúp đạt được ý đồ đen
tối, Liên đã đi mua hai gói thuốc trừ sâu dạng bột về hòa với nước, rồi
tiêm thuốc vào hai bên mông của ông Chuyên. Tới 8 giờ ngày 13.3.2012,
thấy vẫn chưa đạt được ý định, Liên tiếp tục đi mua một chai thuốc trừ
sâu dạng lỏng rồi mang về tiêm vào mông và bơm vào miệng chồng. Một
tiếng sau, anh Chuyên tử vong. Khi mục đích đã hoàn thành, Liên gọi điện
đến cơ quan của chồng cũng như báo với hai con trai là ông Chuyên đã
qua đời do đột quỵ. Điều tra viên này chia sẻ: “Công tác trong nghề
nhiều năm, điều tra rất nhiều vụ án, nhưng cái chết oan uổng của đồng
nghiệp mãi mãi sẽ là ám ảnh lớn với tôi”.
Hối lỗi muộn màng
Mới đây, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử
Liên về tội “Giết người”. Còn nhớ, phiên sơ thẩm xét xử lưu động ở Nhà
thiếu nhi quận 6 đã thu hút hàng nghìn người đến tham dự, nhưng trong
phiên phúc thẩm, chỉ lác đác vài người. Liên ngồi trước vành móng ngựa
cũng khóc lóc, kêu than với mong muốn được giảm án. Thị bảo: “Bị cáo bị
dồn đến chân tường nên mới hành động sai trái như thế”. Thị khai, ý định
sát hại chồng là để trả nợ. Bởi, nếu ông Chuyên mất thì thị sẽ năn nỉ
với chủ nợ từ từ để trả. “Khi chồng còn sống, bị cáo nhiều lần đến xin
khất nợ nhưng họ không cho. Bị cáo nghĩ, khi chồng chết, có lẽ họ không
ác nhân đến mức ráo riết đòi”, người phụ nữ giàn giụa nước mắt.
Một lúc sau, Liên khai: “Chồng bị cáo có thể không có, nhưng bị cáo cần
hai đứa con”. Phải chăng, vì nợ nần mà Liên không còn thấu suốt, bởi hai
con của thị cần có cả cha lẫn mẹ. Và điều chắc chắn, hai anh không bao
giờ mong muốn mẹ là kẻ sát nhân và người bị hại chính là cha ruột. Trước
đây, hai anh công tác trong ngành công an, nhưng vì hành động của mẹ
nên phải xin rời khỏi ngành. Khi phạm tội, thị có nghĩ đến kết thúc này
chăng?
Bên cạnh đó, Liên nấc nghẹn: “Trong khoảng thời gian qua, bị cáo suy
nghĩ nhiều về hành động của mình. Bị cáo rất hối lỗi nên ăn chay với
mong muốn được giảm tội. Bị cáo chỉ mong HĐXX cho mình một cơ hội được
sống để trở về chăm sóc cho hai con”. Nói đến đây, người phụ nữ xúc
động, nước mắt lại rơi.
Trong phiên tòa hôm đó, chỉ có một người con trai của ông bà Chuyên-Liên
đến tham dự. Dù không có đơn xin giảm án, nhưng thấy mẹ vật vã khóc,
người con cũng xúc động: “Tôi mong mẹ mình có cơ hội sống vì cha đã mất
rồi, không muốn mất thêm mẹ”. Lời vừa dứt, xúc động dâng tràn, khán
phòng chợt im lặng. Dù vậy, do hành động quá man rợ, không có tình tiết
nào mới nên tòa tuyên phạt y án tử hình. Liên không tin nổi vào điều mới
nghe thấy, thị ngã quỵ.
Vụ án đã kết thúc, Liên phải trả giá cho hành
động của mình, nhưng không ít người vẫn xót xa: “Sao lại nỡ đối xử với
người từng chung chăn gối với mình như vậy?”.