Tàu H29 xuất phát từ Vũng Tàu đi huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đón khách rồi sau đó tiếp tục xuất bến từ đây để quay lại Vũng Tàu trong điều kiện ban đêm, mưa, gió xoáy và sóng mạnh. Trước đó đã có thông tin cảnh báo về cơn bão số 5 trên Biển Đông. Tàu lâm nạn tại khu vực biển Cần Giờ, thuộc TP.HCM, trong tình trạng chở quá tải, không có đủ áo phao cứu hộ. Dường như ai cũng đã thấy rõ sự chủ quan của người dân và công tác quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an toàn hàng hải, quy trình xuất bến v.v… để cuối cùng xảy ra tai nạn thương tâm này.
Vùng biển Cần Giờ được xác định là nơi tàu bị lật
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận ở đây chính là tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng cứu hộ cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Cục Hàng hải Việt Nam) và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM.
Trong điều kiện mưa bão, không có thông tin tọa độ hiện trường, 2 đơn vị này đã tức tốc huy động lực lượng sẵn có để ứng cứu được 21 người ngay trong đêm xảy ra tai nạn và liên tục suốt 3 ngày sau đó trong nỗ lực tìm kiếm thi thể những nạn nhân xấu số. Nếu không có sự tận tâm, phản ứng nhanh và kịp thời của họ, có lẽ số nạn nhân tử vong, mất tích sẽ còn nhiều hơn.
Riêng TP.HCM, Thường trực Ban chỉ huy đã tung gần như tất cả lực lượng từ cảng vụ, bộ đội biên phòng, cảnh sát đường thủy, chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trực chiến trong đêm 2.8. Cho đến sáng 3.8, thành phố tiếp tục huy động cả cảnh sát phòng cháy chữa tăng cường các phương tiện cho việc cứu hộ, cứu nạn. Thậm chí, trực thăng của Quân khu 7 đã xuất kích đến hiện trường hỗ trợ công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Chưa đầy 16 giờ đồng hồ sau tai nạn, trong một chiều thứ Bảy giữa cơn mưa dông ảnh hưởng bởi cơn bão số 5 quét qua thành phố, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với tất cả sở ngành, địa phương liên quan để chỉ đạo xử lý. Cuộc họp diễn ra trong không khí khẩn trương, lo lắng của những người lãnh đạo và những vị chỉ huy từ hiện trường trở về. Ông Quân liên tục tắc lưỡi tiếc rẻ vì sao tại nạn lại xảy ra dù đã có cảnh báo từ đầu mùa mưa bão. Ông bàn ngay đến việc khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án và nhấn mạnh “làm sớm để thân nhân người chết và người dân có câu trả lời thỏa đáng”. Khi thông tin còn 8 người mất tích, lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu các lực lượng tìm kiếm phải làm hết sức mình để nếu có xảy ra khả năng xấu nhất cho những người này, thì vẫn cố gắng tìm được thi hài về cho gia đình họ.
Sáng 6.8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã ký văn bản khẩn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ GTVT về việc xử lý vụ chìm canô H29-BP. Do tính chất nghiêm trọng của sự vụ (gây thiệt hại lớn về tài sản và con người), UBND thành phố đề nghị Bộ Công an xem xét khởi tố vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
|
Một trùng hợp “trớ trêu”, ngay trong sáng 2.8, trước khi tai nạn đau lòng tại Cần Giờ xảy ra, UBND TP.HCM đã ra Văn bản số 3987 yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố và UBND các quận huyện địa bàn có sông nước phải phối hợp, thường xuyên tăng cường kiểm tra trang bị an toàn và điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên địa bàn theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, kể cả đình chỉ hoạt động nếu không trang bị đầy đủ điều kiện an toàn, không bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện hoặc lái tàu, ghe không có chứng chỉ hành nghề chuyên môn phù hợp.
Nhưng đáng tiếc, trong vụ chìm tàu vừa qua, TP.HCM chỉ là nơi xảy ra tai nạn, các chỉ đạo trên lại rơi vào cấp quản lý của hai tỉnh còn lại là Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.