Dân Việt

Cố NSƯT Kim Ngọc: “Nữ quái kiệt” chân thành

Mai Chi (Dòng Đời) 11/08/2013 07:02 GMT+7
Trong nghệ thuật, cô Kim Ngọc là người nghệ sĩ hết lòng với những vai diễn. Trong cuộc sống, cô là người rất mực chân thành, hiếu thảo với cha mẹ, hết lòng vì bè bạn, có nghĩa với thầy.
Soạn giả Viễn Châu nhớ lại, thời kinh tế còn khó khăn, một trưa hè nắng đổ lửa, cô Kim Ngọc đạp xe từ chợ Giồng Ông Tố tới nhà biếu ông một ký thịt: “Thím bảy kho để chú và các em ăn. Nhà con bán thịt mà, hôm nào đi ngang, con sẽ biếu nữa”.
Cô Kim Ngọc trong ngày cưới của con trai
Cô Kim Ngọc trong ngày cưới của con trai
Giọng ca lảnh lót

Cố NSƯT Kim Ngọc tên đầy đủ là Lê Thị Kim Ngọc, sinh năm 1946 tại chợ Giồng Ông Tố, quận Thủ Đức (nay là Q. 2, TP.HCM). Cô là con thứ hai trong gia đình có tới 14 anh chị em - với tên gọi được cha cô đặt theo hai câu liễn: Hoàng - Ngọc - Ẩn - Non - Côn - Vàng - Cầm - Nơi - Hoa - Lệ - Thủy - Triều - Phượng - Nở, với ý nghĩa nôm na: “Hòn ngọc ẩn ở núi Côn không sánh bằng nước mắt người tình trong mùa hoa phượng”. Ngay từ nhỏ, cô Kim Ngọc đã biết đỡ đần mẹ từ việc buôn bán thịt heo ở chợ cho đến việc chăm sóc cho các em. Sau này, ở thời điểm kinh tế khó khăn, cô vẫn bươn bả quay lại nghề bán thịt của mẹ để nuôi cả gia đình.

Hồi ấy, nhà cô kế nhà ông Ba Xậy, có máy hát dĩa quay bằng tay, thường phát bài vọng cổ của danh ca Út Trà Ôn: Tôn Tẩn giả điên, Thái sư Văn Trọng giáng thập điều, Tình anh bán chiếu… cô nghe riết rồi đâm ghiền. Lúc ngồi giặt áo quần cho các em, cô lại mang mấy bài vọng cổ học lóm đó ra nghêu ngao. Tình cờ, trong xóm có “thầy” Minh Thành là thợ hớt tóc nhưng rành cổ nhạc, thấy cô có hơi ca tốt mà không rành nhịp điệu và bài bản nên gọi sang dạy ca ba nam, sáu bắc và vọng cổ. Khi rành rẽ các bài cổ nhạc, cô Kim Ngọc được thầy Minh Thành và cha dẫn đi ca tài tử góp vui các buổi tiệc trong xóm.

Năm 1962, ông bầu Ba Bản thành lập đoàn Thủ Đô, nghe đồn về giọng ca lảnh lót của cô, bèn đến nhà xin cha mẹ cho cô theo đoàn ông học hát. Gánh hát Thủ Đô, dù mới thành lập nhưng quy tụ rất nhiều đào kép thượng thặng nên cô Kim Ngọc chỉ được cho ngâm thơ hậu trường hay ca vọng cổ ngoài màn. Sau này, cô về đoàn hát Trùng Dương, rồi theo đoàn Tuấn Kiệt hát chung với nghệ sĩ Phương Quang, Phượng Liên. Phát hiện được tài năng của cô Kim Ngọc, ông bầu Minh Bằng đã đến mời cô hát chính cho đoàn với công-tra 10.000 đồng. Cô đã đưa hết số tiền đó cho cha mẹ nuôi các em ăn học. Vở tuồng đầu tiên cô hát là vở Trăng lên đỉnh núi, hát cặp với kép chánh Trọng Sỹ.

Tuy nhiên, tài năng của cô Kim Ngọc chỉ tỏa sáng khi cô về với đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân. Vai Chu Chỉ Nhược do cô đóng trong tuồng Cô gái Đồ Long (soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng) cùng với nghệ sĩ Tấn Tài (vai Vô Kỵ) và nghệ sĩ Ngọc Giàu (vai Triệu Minh) đã làm cho bảng hiệu Dạ Lý Hương rực sáng. Điều này khiến các đoàn hát thượng thặng thời ấy như Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Thủ Đô phải mệt nhoài đối phó.

Với nét mặt xinh tươi sắc sảo, giọng ca lanh lảnh, hơi rông, điêu luyện, thời điểm đó, cô Kim Ngọc được báo chí kịch trường và giới mộ điệu ca ngợi không ngớt. Đến năm 1973, 1974, khi nhật báo Trắng Đen của ông chủ báo Việt Định Phương tổ chức giải thưởng văn nghệ Kim Khánh thì suốt hai năm liền, cô Kim Ngọc được khán thính giả bỏ phiếu tặng thưởng huy chương Kim Khánh.

Trong quãng đời làm đào, cô Kim Ngọc từng đóng khá nhiều vai, nhưng có lẽ vai diễn ghi dấu tên tuổi của cô trong lòng khán giả nhất là vai Mai Đình trong vở Hàn Mặc Tử do soạn giả Viễn Châu viết (công diễn 1970). Khán giả xem cô đóng xong càng thương cô hơn, còn soạn giả Viễn Châu hễ gặp cô là hồ hởi gọi “Mai Đình của tôi”. Dù nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cô Kim Ngọc vẫn chân thành, mộc mạc như ngày nào, vẫn “cười giòn giã, tiếng cười không mang một sự hơn thua, sân si nào trong cuộc đời nghệ sĩ”.

Nỗi niềm ẩn sau nụ cười

Năm 1972, khi gánh Bạch Tuyết - Hùng Cường công diễn tuồng Trăng thề vườn Thúy (soạn giả Quy Sắc - Mộc Linh) tại rạp Quốc Thanh thì hề Tùng Lâm bị té xe gãy tay. Để đảm bảo vở diễn đúng giờ, cô Kim Ngọc tình nguyện đóng thế vai Tiểu Đồng cho hề Tùng Lâm. Cách diễn tưng tửng với hàm râu quặp cố tình rớt lên rớt xuống của cô khiến khán giả cười nghiêng ngả. Sau vai diễn ấy, cô được khán giả gọi chết với cái tên “nữ quái kiệt”. Cũng từ đó, cô bén duyên nghệ thuật tấu hài và gắn bó với nó cho đến cuối đời.
img

img
Chân dung cố nghệ sĩ Kim Ngọc khi còn trẻ và lúc về già

Trong những năm 80 của thế kỷ XX, cố nghệ sĩ Kim Ngọc và nghệ sĩ Quốc Hòa trở thành một “cặp bài trùng” được khán giả yêu thích, cổ vũ nồng nhiệt trên các sân khấu hài. Khi Đài truyền hình TP.HCM khởi dựng chương trình Trong nhà ngoài phố, cô Kim Ngọc chính là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tham gia và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Vai bà Tư xả láng với giọng cười giòn tan, đầy lạc quan của cô trong vở Những mối tình trắc trở đã khiến không ít khán giả khoái trá mỗi khi nhắc đến.

Nói cười vui vẻ trên sân khấu là thế, nhưng trong cuộc sống, nghệ sĩ Kim Ngọc lại là người đa sầu đa cảm. Khi cuộc hôn nhân với người chồng đầu tiên tan vỡ thì cô con gái đầu lòng - Kim Ngân - theo cô, còn Huệ Phương - người con trai kế - theo cha (nghệ sĩ Hoàng Long) sang Pháp định cư từ năm 9 tuổi cho đến nay.

Khoảng năm 1980, khi đi hát chung trong đoàn Thanh Tú – Trang Bích Liễu thì nhạc sĩ Đức Lang - đờn chánh cho đoàn “trồng cây si” cô. Qua vài bến diễn, nhạc sĩ chân thành ngỏ ý xin cưới cô và được các bạn diễn hết sức tán thành. Chiều theo ý trời và lòng người, cô Kim Ngọc bước thêm bước nữa và đã có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng rất mực yêu thương và chiều vợ. Họ có với nhau một người con đa tài là diễn viên Hiếu Hiền. Hai mẹ con - hai nghệ sĩ thuộc hai thế hệ - tiếp nối, hỗ trợ nhau trở thành cặp diễn hài ăn khách nhất với các tiểu phẩm Bà bầu liều mạng, Hoa hậu vũ trụ, Câu chuyện cái tivi… Hạnh phúc lớn nhất của cố nghệ sĩ Kim Ngọc chính là thấy con trai trưởng thành, biết sống chan hòa với cuộc đời và được nhiều khán giả yêu mến.

Thế nhưng, trong thâm tâm cô cũng chưa bao giờ thôi trăn trở về Huệ Phương - đứa con trai đã phải sống xa cô từ nhỏ. “Tội cho con tôi, sống xa mẹ, một mình tự lập trên xứ người, thiếu thốn tình thương của mẹ...” - cô từng ngậm ngùi. “Làm cha mẹ không ai muốn con mình chia ly. Nhiều đêm nhìn Hiếu Hiền ngủ say, tôi lại nhớ đến Phương, rồi nhớ đến Hà - đứa con trai đã chết đuối vì té ao năm lên 6 tuổi, là em của Ngân, anh của Phương - tôi không thể ngủ ngon giấc...”.

Cô từng tâm sự: “Giao thừa năm nào, Phương cũng gọi điện thoại về chúc tết tôi, anh Đức Lang và các em. Phương thương và kính trọng ông xã sau này của tôi như cha ruột, yêu thương Ngân và Hiếu Hiền lắm... Sau tết, tôi làm lễ mừng thọ mẹ tôi 90 tuổi, chắc chắn sẽ gọi con về để cả nhà sum họp...”.

NSƯT Kim Ngọc thành danh từ những vai diễn như Chu Chỉ Nhược (Cô gái Đồ Long), Mai Đình (Hàn Mặc Tử), Tiểu Đồng (Trăng thề vườn Thúy), Kim Liên (Kiều Nguyệt Nga), Hiệu úy Kỳ Hoa (Thái hậu Dương Vân Nga), cô Tư Điểu (Tình mẫu tử), Sen (Đoạn tuyệt),...
Vậy mà, dự định ấy đã không thực hiện được… Cô vĩnh viễn ra đi vào ngày 16.1.2011 sau cơn đột quỵ trong một buổi diễn. Lúc nhập quan, người nhà thay nhau vuốt mặt nhưng cô không chịu nhắm mắt. Chị Kim Ngân - con gái cô - nghẹn ngào: “Em tôi làm diễn viên xiếc, ảo thuật, đồng thời làm bầu đoàn xiếc chuyên biểu diễn khắp nơi trên một chiếc ô tô, kéo theo sân khấu lưu động. Tối 16.1, đã sắp đến giờ làm lễ nhập quan mà bà cứ mở mắt hoài như nuối tiếc điều gì. Tôi đã điện thoại di động cho ba tôi và áp sát máy điện thoại vào tai bà, như để ba tôi nói lời cuối với vong linh của mẹ tôi, rằng Phương sẽ về thọ tang, đến lúc đó, bà mới nhắm mắt”.

Ngày tiễn đưa cô, mẹ cô - bà Bùi Thị Sáu - ngồi lặng lẽ bên quan tài. Bà không còn nước mắt để khóc, bởi trước đó không lâu, người con gái thứ hai của bà cũng đã lặng lẽ ra đi... Có giọt nước mắt nào nhiều nỗi niềm bằng giọt nước mắt của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh? Nhưng, tôi tin, người mất chỉ thật sự chết đi khi trái tim người còn sống không còn họ… Nơi nào cô Kim Ngọc tới đều có tiếng cười. Và tiếng cười ấy sẽ mãi vang vọng trên cõi tạm này…