Dân Việt

Chìm tàu trên biển Cần Giờ: Khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án

Quốc Ngọc 05/08/2013 15:20 GMT+7
Trong cuộc họp khẩn với các sở ngành liên quan về vụ tàu chở khách H29 lâm nạn trên biển Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã nhiều lần gọi đây là “thảm họa”.
Thảm họa từ sự thờ ơ của người dân làm chủ phương tiện và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý an toàn hàng hải của cơ quan chức năng.

Tàu quá tải, quy trình xuất bến lỏng lẻo

Tàu H29 là phương tiện của Công ty Việt - Czeck Technology J.S (phường 11, TP.Vũng Tàu) do tài công Phạm Duy Phúc và thợ máy Nguyễn Văn Dương điều khiển. Tàu được Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (KCN dầu khí Soài Rạp - Hiệp Phước, tỉnh Tiền Giang) thuê để chở nhân viên của công ty đi nghỉ mát tại Vũng Tàu. Tàu xuất phát từ cầu cảng xăng dầu Soài Rạp - Hiệp Phước (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), chở theo 30 người.

Khoảng 20 giờ tối 2.8, tàu đến khu vực biển Cần Giờ (TP.HCM) thì gặp sự cố và chìm. Vị trí chìm cách Mũi Vũng Tàu khoảng 8 hải lý về phía tây - tây bắc. Khi tai nạn xảy ra, có mưa, sóng lớn và gió xoáy mạnh. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Trung tâm III) mới nhận được tin báo từ phía chủ tàu. Đến 3 giờ 55 sáng 3.8, các lực lượng chức năng đã cứu được 21 người. Sức khỏe của 21 người được cứu sống đã ổn định. 9 người bị mất tích.

Ngay trong chiều 3.8, UBND TP.HCM đã có cuộc họp khẩn về vụ chìm tàu này. Trung tâm III đánh giá tàu chỉ có sức chở được tối đa 18 người, nhưng vào lúc xảy ra tai nạn, trên tàu có đến 30 người.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà khẳng định, ngoài nguyên nhân khách quan là sóng to, gió lớn, tàu H29 đã chở quá tải. Ông cũng đặt vấn đề tàu đã không được sử dụng đúng công năng vì đây là loại ca nô chỉ chạy trên sông và không có thiết bị định vị để xác định tọa độ khiến công tác cứu hộ rất khó khăn. “Ngoài ra, có thông tin tàu đang trong quá trình sửa chữa, trên tàu cũng không trang bị đủ áo phao cho khách. Cần làm rõ ngay trách nhiệm của đơn vị đã cho phương tiện này xuất bến”- ông nói. Ông Hà cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải và lực lượng chức năng siết chặt quy trình xuất bến. Sở Thông tin- Truyền thông có cơ chế thông tin để phối hợp và vận hành cứu hộ, cứu nạn tốt hơn, yêu cầu các lực lượng quốc phòng luôn luôn có trực thăng hỗ trợ để kịp thời ứng cứu và xác định tọa độ nơi xảy ra tai nạn trên biển dễ dàng hơn.

Khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đánh giá đây là thảm họa hàng hải lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ông chỉ đạo công an thành phố khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành điều tra tai nạn, xác định trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị. Vì vụ việc liên quan đến 3 tỉnh thành, nên chủ tịch cũng đề nghị công an thành phố báo cáo ngay với Bộ Công an để có chỉ đạo thụ lý, sớm khởi tố vụ án. Ngoài ra, ông Quân cũng yêu cầu làm rõ tại sao đi cùng tàu gặp nạn H29, còn có 2 tàu nữa cũng chở 35 người của Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, nhưng sau khi H29 gặp nạn đã bỏ đi, không ứng cứu hoặc báo cho cơ quan chức năng?

Mượn tàu H29 để chở công nhân

Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu H29 là một trong 2 phương tiện được trang bị cho đơn vị này. Ngày 9.7, các tàu này được đưa sang công ty CP Công nghệ Việt - Séc để bảo dưỡng định kỳ. Đến 15 giờ ngày 2.8, ông Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu Marine (Khu công nghiệp Đông Xuyên - Vũng Tàu) sang mượn ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty Việt - Séc) 3 tàu để đón công nhân tại Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (Gò Công Đông - Tiền Giang).

Nửa giờ sau, tàu xuất phát đi Tiền Giang chở công nhân về Vũng Tàu và khoảng 20 giờ, tàu do anh Phạm Duy Phúc điều khiển đã gặp nạn. Tuy nhiên, trả lời báo chí, Giám đốc Vũ Văn Đảo cho biết: "Công ty chúng tôi không có chức năng cho thuê, mượn tàu. Việc các canô xuất xưởng để đi Tiền Giang là do các cá nhân cho mượn, không liên quan đến công ty".
P.V