Thủy điện Đrăng Phốk dự kiến xây dựng trên sông Sêrêpốk, đoạn chảy qua vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn đang có nguy cơ tàn phá môi trường, hủy hoại tài nguyên, đa dạng sinh học của VQG lớn nhất Tây Nguyên.
Gần 300ha diện tích VQG bị ảnh hưởngTheo tài liệu của Bộ Công Thương, Dự án Thủy điện Đrăng Phốk dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Sêrêpốk đoạn chảy qua vùng lõi VQG Yok Đôn - thuộc địa giới hành chính xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Công trình gồm đập dâng (cao 18,5m, dài 1,25km, rộng 5m), kênh dẫn bằng bê tông cốt thép (dài 3,4km rộng 8m), mặt hồ rộng 250ha với công suất thiết kế lên tới 26MW.
Thủy điện này sẽ chiếm dụng vĩnh viễn 302,5ha đất các loại, trong đó có đến 295,4ha thuộc VQG Yok Đôn. Dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới TP.HCM (TECCO) làm chủ đầu tư. Ngày 9.6, chúng tôi đã có mặt tại các tiểu khu 430, 431, 451 - nơi dự kiến xây dựng Thủy điện Đrăng Phốk.
Vùng lõi VQG Yok Đôn, nơi dự kiến làm Thủy điện Đrăng Phốk.
Theo ông Hoàng Vinh - Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 9, các tiểu khu này đều là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc vùng lõi của vườn, là khu vực xưa nay ít bị tác động nhất. Ông Vinh lo lắng nói:
"Các anh thấy đấy, từ Tỉnh lộ 1 rẽ vào mấy trăm mét đã có trạm kiểm soát, rồi suốt 30km từ đó vào đây rất vắng người, nhờ vậy chúng tôi khá yên tâm. Nếu cho làm thủy điện, ở đây sẽ xuất hiện một đại công trường, với hàng trăm công nhân, phương tiện cơ giới rầm rộ suốt mấy năm trời, chúng tôi không thể hình dung được VQG sẽ như thế nào.
Trạm chúng tôi chỉ có 16 cán bộ kiểm lâm bảo vệ 16 nghìn ha rừng đã mỏi, làm sao kiểm soát được chừng đó con người, mà ai dám chắc lâm tặc không trà trộn vào; chưa kể thức ăn trong tự nhiên, gỗ, củi phục vụ nhu cầu tại chỗ của họ; rồi tiếng xe máy, tiếng nổ mìn phá đá inh ỏi suốt ngày đêm, muông thú nào dám ở".
Đáng lo ngại là theo khảo sát của đơn vị tư vấn, diện tích rừng phải hy sinh bởi Thủy điện Đrăng Phốk bao gồm cả rừng nghèo và rừng giàu, đặc trưng bởi các loài cây như giáng hương, căm xe, dầu đồng, cà chít...
Ngoài ra, dù không có trong khảo sát, nhưng ông Vinh khẳng định một diện tích không nhỏ rừng khộp rụng lá, nửa rụng lá sẽ chết do lòng hồ dâng nước làm biến đổi sinh thái. Sông Sêrêpốk với nhiều loài thủy sinh, trong đó có các loài cá nổi tiếng như anh vũ, mõm trâu, cá lăng, cá chình... sẽ bị thủy điện chặn dòng di cư, sinh sản, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Lãnh đạo Yok Đôn nói gì?Ngoài các giá trị về môi trường và đa dạng sinh học, tài liệu khảo sát còn cho thấy, rừng giàu trong khu vực dự kiến làm Thủy điện Đrăng Phôk có số cây đứng bình quân 255 cây/ha, đường kính bình quân 42cm, trữ lượng bình quân 227m3/ha. Rừng trung bình cũng có cấu trúc ổn định, tán đều, cũng được coi là rừng giàu trữ lượng - bình quân 175 cây/ha, 155m3/ha - với nhiều loại gỗ quý hiếm, đặc trưng cho Yok Đôn.
"Nếu cho làm thủy điện, ở đây sẽ xuất hiện một đại công trường, với hàng trăm công nhân, phương tiện cơ giới rầm rộ suốt mấy năm trời, chúng tôi không thể hình dung được VQG sẽ như thế nào”. Ông Hoàng Vinh - Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 9
|
Theo ông Trần Văn Thành - Giám đốc VQG Yok Đôn, vườn đang chịu rất nhiều áp lực từ việc mở đường, nhu cầu gỗ củi, đất nông nghiệp...
Nếu thêm một thủy điện lớn không chỉ tàn phá môi trường, đa dạng sinh học mà còn làm cho tình hình bảo vệ rừng mất kiểm soát là điều mà gần 200 cán bộ, kiểm lâm bảo tồn không đồng tình.
Ông Thành cho biết: "Thủy điện Đồng Nai 6, 6A ở VQG Cát Tiên và Thủy điện Ea K'tour ở VQG Chư Yang Sin đều nằm trong các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ngoài bìa. Còn 3 tiểu khu dự kiến làm Thủy điện Đrăng Phôk này là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nằm sâu trong ruột VQG Yok Đôn, do vậy mức độ lan tỏa tác hại sẽ lớn hơn nhiều.
Trong cuộc họp với UBND tỉnh Đăk Lăk hồi đầu năm nay, tôi đã đề nghị lãnh đạo tỉnh cân nhắc thận trọng đối với dự án này. Mà theo tôi, tốt nhất là không nên làm vì mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của vườn".
Thông tin về vụ việc này, NTNN?sẽ phản ánh trong các số báo tiếp theo.