Hoài thai của số phậnTrong căn nhà nhỏ bé, tồi tàn ở cuối xóm 9, xã Xuân Thành, ông Phan Viết Tùng (71 tuổi, ông ngoại của Phan Thị Xuân) loay hoay mãi mới tìm được chiếc ghế xiêu vẹo mời khách ngồi. Trông ông rất mệt mỏi nhưng khi nhắc đến đứa cháu vừa đậu đại học, mắt ông sáng lên: "Mấy bữa nay bà con xóm làng đến chúc mừng rất đông, gia đình tui phấn khởi và tự hào lắm".
Em Phan Thị Xuân hiện là lao động chính trong nhà.
Khi chúng tôi đến, Xuân chuẩn bị nhập học tại Đại học Nông lâm TP.HCM bằng những đồng tiền gặt lúa thuê cả hè vừa qua. Ông Tùng rơm rớm nước mắt: "Tội nghiệp, vợ chồng tui thì già cả, các cậu, các dì cũng nghèo nên chẳng giúp gì được cháu, nó phải tự bươn chải từ nhỏ đến giờ. Đậu đại học, cháu ky cóp dành tiền nộp đầu năm. Chẳng biết nó bám trụ được bao lâu".
Vợ chồng ông Tùng sinh được 5 người con. Chị Phan Thị Đào (SN 1968, mẹ Xuân) là con gái đầu lòng, nhưng bị bệnh thần kinh từ nhỏ. Khi 4 đứa con sau đã lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng thì chị Đào vẫn ở với ông bà. Thế rồi trong một lần đi lang thang chị đã hoài thai và sinh được một bé gái. Âu cũng là số phận nên ông bà Tùng đành ngậm ngùi nuôi hai mẹ cho chị Đào. Đứa bé ấy chính là Xuân.
Tuy bị thần kinh, dở tính, dở nết nhưng khi sinh con, chị Đào luôn ở nhà chăm sóc và nựng con. Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn… chị đi nhặt phế liệu, đi chăn trâu, cắt cỏ, cấy thuê, gặt thuê cho người ta để kiếm tiền mua sữa cho con. Khi ốm yếu, chị khoác bị đi xin ăn. Có lẽ tình mẫu tử là thiêng liêng nhất đã biến đổi con người của chị từ một người tâm thần, dở tính, dở nết, thành một người mẹ hết mực thương yêu đứa con gái của mình.
Thiên thần nhỏÝ thức được hoàn cảnh đặc biệt của mình, ngay từ lúc còn nhỏ bé, Xuân đã biết làm thành thạo các công việc trong nhà và đồng áng để giúp đỡ mẹ và ông bà. Chị Minh - một người hàng xóm tâm sự: "Con bé siêng năng từ nhỏ, nó đi học về là làm việc không ngơi tay, mấy sào ruộng của ông bà đều do nó làm hết. Vừa siêng năng, ngoan ngoãn và học giỏi nên ai cũng thương, cũng mến gọi cháu là thiên thần nhỏ. Làng xóm thỉnh thoảng có củ khoai, bát gạo cũng đem sang cho mẹ con cháu".
Thầy Nguyễn Trọng Mậu - chủ nhiệm lớp 12A3, Trường THPT Yên Thành 2 cho biết: Đầu năm lớp 12, em Xuân có xin phép được nghỉ học, nhưng được thầy cô và bạn bè động viên, chia sẻ các khoản đóng góp nên em đã tiếp tục đến trường. Giờ em học đại học, tôi mong có Mạnh Thường Quân hỗ trợ em, bởi đời em khổ quá.
|
Với Xuân, để được đi học là một nỗ lực phi thường. Người mẹ ăn xin, cũng thất thường, bữa có bữa không, ông bà ngoại thì già nua, đau yếu đi viện thường xuyên. Việc nhịn đói đi học đối với Xuân là thường xuyên. Thậm chí có ngày em chỉ ăn gói mì tôm, rồi uống nước cho no bụng. Cũng nhiều lần Xuân định bỏ học nhưng rồi được sự động viên kịp thời của bạn bè và thầy cô giáo nên em đã vượt qua tất cả những khó khăn, thiếu thốn để tiếp tục đến trường.
Tuy lớn lên trong hoàn cảnh bất hạnh, khốn khó như thế, nhưng Phan Thị Xuân học rất giỏi, từ lớp 1 đến lớp 12, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Xuân tâm sự: "Em định sẽ không đi học nữa mà đi làm, sau đó có tiền rồi sẽ học tiếp, vì 4 năm đại học, không có ai chu cấp, tự mình xoay xở em nghĩ mình sẽ không kham nổi. Nhưng khi vào miền Nam làm thuê được mấy ngày thì em lại quay về vì nghe nói sinh viên được vay vốn nên em sẽ vay để đi học. Ước mơ của em là học xong, sớm có việc làm để nuôi mẹ, để mẹ không còn phải tay bị, tay gậy đi ăn xin nữa".