Bán bò để mua thiết bịCuối tháng 8, những cơn mưa đầu mùa đã đổ về làm cho con đường đất độc đạo dẫn vào thôn Tây nhiều đoạn nhão, trơn như bôi mỡ. Tuy chỉ nằm cách trung tâm huyện Trà Bồng hơn chục cây số theo đường chim bay, nhưng thôn Tây vẫn là thôn nghèo của huyện Trà Bồng. Cuộc sống khó khăn và thiếu thốn như vậy thế nhưng từ rất lâu, người dân thôn Tây đã biết tự ngăn con suối làm thủy điện để dẫn về thắp sáng và sử dụng một số thiết bị cho gia đình.
Một điểm được người dân đặt máy phát điện
Sau gần cả chục phút nhăn mày, nhíu trán, ông Hồ Minh Thư - Trưởng thôn Tây lắc đầu: Mình chịu, không thể nhớ được người nào ở đây làm thủy điện đầu tiên. Chỉ biết là bà con đã làm và dùng điện kiểu này đã hơn chục năm nay rồi. Gọi là công trình thủy điện cho oách, chứ thật ra chỉ là một môtơ nhỏ, với 1 đầu gắn cánh quạt. Khi dòng nước được dẫn chảy qua làm cánh quạt hoạt động, thì môtơ phát ra điện.
Số thiết bị mà người dân thôn Tây sử dụng gần như được mua tại vùng lân cận là tỉnh Quảng Nam, với trị giá khoảng 3 triệu đồng/cái. Cộng thêm tiền mua ống nhựa để dẫn nước vào môtơ, dây điện... cũng mất khoảng 2-3 triệu đồng.
Bây giờ nhờ trồng keo, mì... nên nhiều người có tiền mua lắp, chứ trước kia những nhà giàu mới làm được. Cách đây khoảng 7 năm, nhà ông Bưng phải bán 3 con bò mới làm được, ông Thư kể. Theo ước tính thì thôn Tây hiện có khoảng 74 hộ dân, thì có đến 95% số hộ đã có lắp thiết bị phát điện kiểu này.
Cần hướng dẫn về sử dụng an toànTheo đó sau một ngày lên nương trở về, thay vì chịu sống trong cảnh leo lét đèn dầu và chờ Nhà nước như nhiều thôn khác, tại các gia đình ở thôn Tây rực sáng ánh điện; tiếng nhạc, tivi vang rộn cả một khoảng trời. Qua quan sát thì dọc theo 2 con suối Kết và suối Nang, tại những đoạn có thác, độ dốc lớn đều được người dân chọn làm nơi đặt những chiếc tuabin phát điện.
Có đoạn số lượng tuabin lên đến gần 20 cái. “Với công suất chỉ từ 2-4 kW/giờ nên chỉ sử dụng thắp được vài bóng đèn, xem tivi và máy nghe nhạc chứ không thể nấu cơm, chạy tủ lạnh…” - anh Hồ Văn Ting cho biết. Vì là điện tự sản xuất nên người dân thôn Tây chơi “sang” bật đèn để suốt cả ngày đêm.
Được biết do độ dốc của 2 con suối Kết và Nang khá lớn, lại hay có mưa lũ bất thường nên chuyện máy bị cuốn trôi xảy ra thường xuyên, nhiều gia đình tốn gần cả chục triệu đồng để mua lại. Trong khi chưa có nguồn điện từ lưới của quốc gia, thì việc người dân thôn Tây tự bỏ tiền làm máy phát điện để thắp sáng và sử dụng một số thiết bị đài, ti vi nhằm nâng cao đời sống tinh thần là điều đáng ghi nhận.
Tuy đến thời điểm này chưa xảy ra trường hợp tai nạn làm thương tật, chết người do điện ở thôn Tây. Thế nhưng chính quyền địa phương cần phối hợp với ngành điện để hướng dẫn cho người dân cách sử dụng điện an toàn, nhằm tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.