Dân Việt

“Thần nông” của cát

Phan Phương 19/09/2013 06:32 GMT+7
Đi lao động ở Đức về, đang có một cơ ngơi làm ăn buôn bán ổn định ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình), đùng cái, anh Võ Đại Nghĩa bỏ về vùng cát Hải Ninh, huyện Quảng Ninh thuê đất làm trang trại. Gần 10 năm “quăng quật” cùng cát, bây giờ Võ Đại Nghĩa đã trở thành tỷ phú.
img


Trang trại của Võ Đại Nghĩa rộng tới 34,5ha với những ngành nghề sản xuất: Nuôi trồng thủy sản, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi gà siêu trứng, đà điểu, trồng cây lâm nghiệp và nông nghiệp… Đây là trang trại tổng hợp vào loại lớn nhất Quảng Bình được ND trẻ Võ Đại Nghĩa tạo dựng nên trên những đồi cát trắng và là một địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm quen thuộc của ND trong tỉnh và cả nước. Anh được đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”.Chinh phục cát

10 năm trước, khi ấy mới đi xuất khẩu lao động ở Đức về, Nghĩa đã dành dụm được một số vốn kha khá (400 triệu đồng), lúc đó ở nhà vợ anh cũng đã có một cơ sở buôn bán ổn định ở chợ Đồng Hới. Thế nhưng mới chân ướt chân ráo về nước, Nghĩa đã bàn với vợ về vùng cát Hải Ninh thuê đất làm trang trại. Không chỉ vợ anh mà những người thân trong gia đình lúc đó nghe anh trình bày ý tưởng đều kịch liệt phản đối.

Bởi lẽ, trong tiềm thức của họ, những động cát bay di động, cao ngất, trắng loá đến nhức mắt kia đã như một mối đe dọa vĩnh hằng. Bao đời nay vẫn thế, những động cát mênh mông đó không bỏ hoang thì cũng chỉ dành chỗ để chôn người chết. Thuyết phục mãi, cuối cùng vợ anh cũng chấp nhận nhưng với điều kiện: “Anh lên trước mà làm, tiền bạc có thể đem đi hết nhưng cái quầy ở chợ Đồng Hới thì phải để lại, có bề gì em làm nuôi con”.

Anh Võ Đại Nghĩa cho đà điểu ăn.
Anh Võ Đại Nghĩa cho đà điểu ăn.

Thế rồi, vào một ngày đẹp trời đầu năm 2004, Nghĩa “động thổ”, dựng lều và bắt đầu xây dựng trang trại trên cát. Hôm đó, Nghĩa quần xắn cao, miệng cười tươi rói nhưng bụng thì lo ngay ngáy: "Không biết rồi có được như kế hoạch của mình không hay là đổ tất cả vốn liếng xuống cát để rồi trắng tay như cát”.

Mồ hôi của Nghĩa và những người cộng sự bắt đầu đổ xuống cát. Hàng năm trời ngập hụp trong cát, đôi vai Nghĩa cứ sưng tấy lên, mặt đã bao lần ngã dụi xuống cát. Mỗi lần như thế Nghĩa như muốn kiệt sức phải bỏ cuộc nhưng lại nghĩ, bỏ ngang thế này thì vợ con bấu víu vào đâu, cát cũng là đất mà đất đâu phụ người, nghĩ thế Nghĩa lại gồng mình lên với quyết tâm làm và rồi dáng hình của cái trang trại trên động cát bay ngày nào đã bắt đầu hiện ra...

Tỷ phú trên động cát bay

Ở vùng cát, khốn khổ nhất vẫn là nạn cát bay, cát nhảy, vì vậy việc làm đầu tiên của anh Nghĩa là đầu tư nguồn vốn trồng 15ha cây chắn cát. Nghĩa kể, ngày đó, trồng 100 cây thì may ra chỉ có 1 cây sống. Vậy nhưng chưa khi nào Nghĩa nản lòng. Quần quật như vậy nhiều năm liền, rồi cây phi lao, cây keo lai cũng bén rễ phủ xanh những động cát trắng.

Lúc đó, Nghĩa bắt đầu từng bước thực hiện các kế hoạch tiếp theo với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mà bắt đầu từ việc trồng rau sạch, chăn nuôi gà, lợn nái, lợn thịt và bò sinh sản... Năm đầu lỗ vốn, năm tiếp huề, đến năm thứ 3 Nghĩa đã bắt đầu thu được một số lãi kha khá, với gần 150 triệu đồng.

“Với những thành tích và đóng góp trong phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội, Võ Đại nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Trung ương Hội NDVN trao Giải thưởng “Sao Thần Nông”... Mới đây, anh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba”.

Không dừng lại ở đó, năm 2005, Nghĩa thành lập Công ty CP Thiên Hương và bắt đầu mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển kinh tế tổng hợp theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi, trồng rừng trên cát, tạo nên một trang trại sinh thái bền vững.

Nhờ vậy, liên tục từ năm 2005 đến nay, trang trại của anh đã đem lại hiệu quả rất cao. Hiện nay, mỗi năm trang trại thu 250 tấn tôm, hàng chục tấn cá, xuất bán trên 1 triệu con cá giống, 700 nghìn con lợn, 10 nghìn con gà… đạt doanh thu 35 - 37 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trang trại của anh thường xuyên giải quyết việc làm cho 100 lao động là những người dân địa phương với mức lương ổn định từ 1,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Thành công lớn nhất mà anh thu được trong thời gian qua là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Trong tổng số 34ha đồi cát anh đã quy hoạch 15ha để xây dựng hệ thống ao hồ sản xuất cá giống, tôm giống và nuôi tôm. Được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, anh đã cho sản xuất thành công giống cá vược, cá đối mục và tôm đất. Đây là những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, rất ít cơ sở giống trong nước sản xuất thành công.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nghèo trong vùng, nhiều năm qua anh Nghĩa còn là địa chỉ quen thuộc của bà con ND trong tỉnh mỗi khi cần giúp vốn, kỹ thuật... Anh cũng rất tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, mỗi năm từ 100-150 triệu đồng.

“ND, đặc biệt là ND vùng cát quê tui khổ lắm. Không có vốn đã đành, nhưng có vốn mà không có kỹ thuật thì cũng bó tay chịu nghèo trước cát thôi. Tui may mắn là người đi trước, có kinh nghiệm nên ai có chí làm giàu “trên cát”, tui cũng sẵn lòng giúp hết” - anh Võ Đại Nghĩa chia sẻ.