"Khổ lắm, làng đó không phải làng ôsin"; "làm gì có chuyện trẻ em ở làng phải bỏ học đi làm ôsin, bị bóc lột sức lao động và bị lạm dụng tình dục".
Khi biết chúng tôi là phóng viên, nhân sắp vào năm học mới muốn tìm hiểu về sự thống khổ của những trẻ em phải làm ôsin ở làng Đông Hải, (xã Lộc Trì,huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông Cái Trọng Như - Phó chủ tịch xã Lộc Trì vừa rất cảnh giác vừa run lên vì giận: "Khổ lắm, làng đó không phải làng ôsin"; "làm gì có chuyện trẻ em ở làng phải bỏ học đi làm ôsin, bị bóc lột sức lao động và bị lạm dụng tình dục". Từ việc dựng chuyện biến không thành có này, mà đến tận bây giờ cả làng, cả xã chúng tôi vẫn phải vác đơn đi các cấp thẩm quyền chỉ móng "giải được tiếng oan".
"Làng bị vu tiếng oan"
Thật sự nếu không về đến làng Đông Hải những ngày đầu tháng 8 này
thì chúng tôi không thể nào tin nổi, rằng tại sao người dân Đông Hải lại ai oán, tức giận về một
chuyện động trời đến thế. Không giận sao được khi chỉ cần lên google gõ: "Làng ôsin...." là ngay
lập tức sẽ hiện ra một loạt kết quả hoặc trích dẫn về một câu chuyện thấm đẫm nỗi đau và nước mắt
của những phận trẻ em của thôn Đông Hải.
Vì nghèo, vì khổ mà phải cam phận bỏ quê, tha phương cầu thực với nghề "ôsin". Thậm chí có gia đình ở làng còn có 2 bé gái phải vào Đà Nẵng làm ôsin, rồi bị ép quan hệ, bị cưỡng bức đến có thai... Sau một hồi cảnh giác, tức giận và trút một tràng bực dọc vì biết chúng tôi là phóng viên ông Cái Trọng Như - mới thận trọng, chia sẻ: "Ủy ban xã muốn làm rõ trắng đen về việc nói sai sự thật về làng".
"Hiện toàn xã chỉ có 12 em bỏ học, riêng làng Đông Hải chỉ có 3 em,
vậy mà trong một bài báo lại viết cả làng này có rất nhiều em bỏ học đi làm ôsin. Hiệu ứng của
truyền thông đã khiến "tiếng xấu" bị vu oan của làng, của xã chúng tôi đồn xa.
Thậm chí, sau khi bài báo đăng lên, có không ít phóng viên, những tổ chức từ thiện xã hội cũng đã tìm đến xã chúng tôi để tìm hiểu và muốn hoạt động thiện nguyện vì những "phận đời" không có thực này đấy...! Sự việc trên đã làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân, và nỗi oan bị vu này không những chỉ riêng làng Đông Hải mà người dân cả xã Lộc Trì cùng chính quyền chức năng ở địa phương rất tức giận".
Ông Cái Trọng Như phản ánh: Chuyện bắt đầu từ một bài báo mới đây. Bài báo dẫn ra một chi tiết
khiến cả xã, cả huyện chúng tôi không khỏi giật mình. Nói giật mình là bởi ngay từ tít phụ đầu
tiên, tác giả đã giật: "Cả thôn kiếm sống bằng nghề ôsin".
Trong đó dẫn ra làng này có những họ tên A, B, C, D... "là phụ nữ và trẻ em của Đông Hải phải đi làm nghề ôsin và bị vùi dập bằng sự bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục để rồi phải chôn cuộc đời mình trong nước mắt buồn tủi".... Sau khi bài báo này đăng tải, thì tiếp đó được nhiều báo mạng lần lượt trích dẫn lại đã gây hoang mang dư luận, mất uy tín địa phương, làm những người trong cuộc hết sức bức xúc.
Chuyện bi hài, có thật mà như đùa hơn nữa cũng nguyên do vì câu
chuyện "làng ôsin" này mà dân ở thôn Đông Hải kháo nhau là: ông trưởng thôn Trần Đình Ngọt vì quá
bức xúc đã lên tận Ủy ban nhân dân xã đòi "khẩu chiến" một trận cho ra nhẽ với ông Trần Xuân Diệu,
Chủ tịch xã Lộc Trì. Rồi ngay cả khi chúng tôi tiếp xúc với Trưởng thôn Đông Hải, ông Ngọt vẫn
khẳng định chắc nịch: "Tui ức cho tiếng oan của làng quá nên tìm đến gặp chủ tịch xã đòi làm rõ
việc ông ấy phát biểu với báo chí không đúng sự thật.
Nhưng khi gặp trực tiếp chủ tịch, thì mới vỡ lẽ ông Diệu không hề phát biểu như báo nói. Để bảo vệ sự thật và uy tín cho làng Đông Hải và xã Lộc Trì, đích thân Chủ tịch xã Lộc Trì đã phải làm đơn phản hồi gửi lên lãnh đạo các cấp, Phòng Lao động - TB&XH và ngay cả chính tờ báo đã đăng tải bài viết không đúng sự thật nêu trên...
Cơ quan thẩm quyền nói gì?
Quyết làm cho ra nhẽ "nỗi oan của làng ôsin", ông Trần Xuân Diệu,
Chủ tịch UBND xã Lộc Trì khẳng định: "Chúng tôi quyết sẽ làm rõ trắng đen về bài báo dựng ra câu
chuyện không có thực làm ảnh hưởngđến uy tín của xã chúng tôi như thế này".
Sau khi bài báo đăng tải, người dân phản ánh, chính quyền xã đã trực tiếp đi xác minh những câu chuyện, những tên tuổi, nhân vật trong bài báo nêu như trường hợp: "Chị Nguyễn Thị Thuyền có 8 đứa con gái thì có đến 7 đứa đã vào các tỉnh Nam miền Trung và miền Nam làm ôsin. Tất cả những đứa trẻ này đều ly hương khi mới học đến lớp 3 và lớp 4; Chuyện vợ chồng chị N.T.H và anh B.V.X mâu thuẫn gay gắt do sau 8 tháng đi làm ôsin, chị H. trở về nhà trong tình trạng mang thai vì bị chủ cưỡng dâm; Chị Th. đã cho 2 đứa con của mình đi theo người đàn ông vào Đà Nẵng làm giúp việc. Để rồi sau hơn một năm vào giúp việc ở Đà Nẵng, 2 đứa con của chị lần lượt trở về nhà trong tình trạng đã... mang bầu...". Nhưng ở thôn Đông Hải không hề có những nhân vật này (toàn làng Đông Hải có 214 hộ, với 1.138 khẩu. Trong làng vẫn còn 3 hộ nghèo, nhưng không hề đói).
Được biết, ngày 1-8, lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm
sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã làm việc với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội
huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Trì về thông tin báo chí đưa về làng "ôsin" Đông Hải.
Ông Trương Đình Bé, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ xã hội, bảo trợ và chăm sóc trẻ em cho biết: "Số liệu thống kê của Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Lộc báo cáo toàn xã Lộc Trì có 42 em đi làm ăn xa, trong đó làng Đông Hải chỉ có 6 em đi làm ăn xa, nhưng đa số các em vào TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác để học nghề và may vá và không đi làm ôsin".
Ông Bé khẳng định, nếu sự thật có làng ôsin, trẻ em bị lạm dụng thì
chính Chi cục và Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Lộc là đơn vị phải biết trước và nắm rất rõ về vấn đề
này. Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Thanh Uyên, chuyên viên Chi Cục BTXH - BVCSTE (Sở
LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên - Huế) khẳng định, hoàn toàn không có chuyện cả làng Đông Hải đi làm ôsin
như báo viết.
Bà Uyên nói: "Chi cục có mạng lưới cộng tác viên rất lớn từ cơ sở, nên những sự việc "lớn" như thế
này chúng tôi không thể nào không biết. Qua làm việc với Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Lộc, phòng đã
khẳng định vừa rồi có bài báo viết về làng ôsin, nhưng hoàn toàn sai sự thật. Khi làm việc với cả
UBND xã Lộc Trì, xã cũng khẳng định, không hề có chuyện này. Nếu sự thật có làng ôsin, có chuyện
trẻ em bị hành hạ và ép quan hệ dẫn đến mang thai như báo nêu thì đơn vị chúng tôi và các ngành
chức năng sẽ can thiệp ngay chứ không thể để một "sự việc đáng lên án, nghiêm trọng như vậy mà còn
tồn tại trong xã hội".
Làng chúng tôi không nghèo!
Để minh chứng cho sự thật khác hoàn toàn với những gì bài báo đã
nêu, Trưởng thôn Đông Hải đã khuyên chúng tôi phải tận mục sở thi khắp làng Đông Hải để "có thấy,
có nghe mới viết đúng". Quả thật, ở làng Đông Hải trong những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là
những ngôi nhà mái đúc san sát, những con tàu đánh bắt xa khơi cả hàng tỷ đồng.
Thậm chí không những tự nhiên mà làng Đông Hải giờ được huyện Phú Lộc xem là làng "tỷ phú" mới ven biển. Bởi cả làng hiện có trên 20 gia đình phất lên nhờ đánh bắt cá xa bờ và bảo vệ lãnh hải.
Cụ thể nhất như gia đình ông Trần Thoạn, có một ngôi nhà khang
trang nằm ngay bên tuyến đường chính dẫn vào thôn Đông Hải (Lộc Trì, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).
Ông Thoạn chia sẻ, riêng ngôi nhà và 2 tàu cá của ông giờ trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Tất cả tài sản
gia đình ông có được đều nhờ vào nghề biển.
Gần nhà ông Thoạn, gia đình ông Trần Vẹn sở hữu đến 6 tàu cá đánh bắt xa bờ công suất từ 250
- 400CV. Với những tàu cá này, mỗi năm gia đình ông Vẹn thu lãi hàng tỷ đồng. Qua tìm hiểu của PV
thì hiện toàn thôn Đông Hải có tổng cộng hơn 100 tàu cá, trong đó 35 tàu cá công suất lớn, trị giá
mỗi tàu từ 1,2 - 2 tỷ đồng, chuyên đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao (PV). Ngoài hoạt
động đánh bắt, nhờ tải trọng lớn nên nhiều gia đình ngư dân mở rộng đánh bắt xa bờ và nhanh chóng
đổi đời. Cũng không ít tàu cá trong số này còn kiêm luôn dịch vụ vận chuyển hải sản trên biển.
Ông Trần Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cung cấp thêm thông tin:"Từ năm 2008 đến nay, việc phát triển đánh bắt xa bờ bằng phương tiện hiện đại đã đưa không riêng gì người dân trong thôn Đông Hải mà nhiều hộ dân ở xã Lộc Trì từ chỗ nghèo đói trở nên khá giả, thậm chí là giàu có. Rất nhiều hộ dân đã xây dựng được nhà kiên cố, nhà mái đúc khang trang trị giá từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Cũng theo ông Diệu, hiện thôn Đông Hải đã có hơn 20 hộ ngư dân trở thành "tỷ phú". Nhiều hộ đang tiếp tục đóng mới tàu cá công suất lớn để ra khơi làm giàu...
|