Sáng 1.8, báo chí tràn ngập những tin tức về giá cả: Giá sữa tăng, từ 5-20% tùy loại. Giá gas tăng thêm 8.000 đồng/bình... Nhưng sốc nhất vẫn là tin giá điện,sẽ tăng 5%.
Thật buồn cho ngày 1 khi không rõ là từ bao giờ, không phải là chu kỳ mỗi 6 tháng hay mỗi quý, mà ngày mùng một của mỗi 30 ngày, kiểu gì cũng có tăng giá và kèm liền sau đó cái gọi là “bão giá” từ giá tâm lý. Đôi khi, lý do chỉ là “ngày mùng 1”.
Thật ra, tối 30.7, khi nghe Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải điều chỉnh giá điện”, người dân đã lờ mờ hiểu rằng điện sẽ tăng giá.
Giá điện cần được điều chỉnh, không thể khác được. Điều đó đúng khi giá điện Việt Nam đang thuộc vào loại thấp nhất khu vực, và qua đó, vô hình trung tạo lợi nhuận cho các nhà đầu tư bằng chính các khoản lỗ trong giá điện mà Nhà nước từ năm này qua năm khác phải bù lỗ.
Chỉ có điều, thật khó để chấp nhận một cú “đánh úp” như vậy. Bởi giá điện tăng chỉ chưa đầy 24 giờ sau tuyên bố Chính phủ yêu cầu EVN phải lấy ý kiến phản hồi từ người dân trước khi điều chỉnh giá.
Nào ai đã kịp có ý kiến gì khi cũng chỉ chưa đầy 12 giờ sau khi công bố tăng giá điện, ngành điện đã rất nhanh nhảu đồng loạt ra quân chốt chỉ số công tơ để tính tiền điện theo… giá mới.
Không khó để thấy rằng, mỗi lần giá điện tăng, lại có thêm một “bức xúc xã hội”. Và những bức xúc trên diện rộng đó, có khi không phải từ những tác động của giá, mà phần nhiều từ cách thức tăng giá của ngành điện.
Vì sao ngành điện không chậm lại hẳn 30 ngày, chờ đến 1.9 chẳng hạn, để lấy phản hồi từ người dân? Vì sao ngành điện không công bố rõ ràng giá điện tới giờ đã lỗ như thế nào và cần sự đồng thuận của xã hội ra sao? Vì sao EVN không giải thích rõ trong số lỗ đó, không hàm chứa yếu tố “lương ngành điện”- ở một tập đoàn luôn lỗ, nhưng xếp cao thứ 3 trong số 17 tập đoàn?
Một mặt hàng trọng yếu mà mỗi khi “hắt hơi”, lập tức tạo bão đối với cả nền kinh tế cũng như đời sống của ngót 90 triệu dân cần sự minh bạch và thông cảm từ phía người dân. Bởi chừng nào còn chưa minh bạch sẽ chẳng bao giờ tạo ra được sự đồng thuận trong dân chúng mỗi lần điện “hắt hơi”.