Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục khẳng định Công ty Đại Nam đã “phân lô bán nền” trong KCN Sóng Thần 3, làm sai quy định pháp luật và chỉ đạo của tỉnh.
Giải trình về những vấn đề này, ông
Dũng cho biết:
“Tôi làm đúng quy định của pháp luật, đến thời điểm này, chưa có cơ quan nào của tỉnh có văn bản chính thức thông báo công ty chúng tôi làm trái quy định của pháp luật thông qua hình thức hợp đồng góp vốn cả. Trái lại, sau khi có thông tin dư luận cho rằng tôi phân lô bán nền, Đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng của tỉnh đã đến kiểm tra và khẳng định công ty chúng tôi làm đúng quy định của pháp luật”.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, có lập biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra với chủ đầu tư vào ngày 25.8.2009, Sở Xây dựng đã có báo cáo (số 2021/BC-SXD ngày 4.9.2009) gửi UBND tỉnh Bình Dương báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3. Báo cáo cho thấy chủ đầu tư đã hoàn thành xong các nghĩa vụ tài chính đối với đất đai. Chủ đầu tư đã thỏa thuận góp vốn với 700 nhân viên, 2.630 lô đất, số tiền 414,36 tỷ đồng, tổng diện tích đưa vào góp vốn 32,36ha (trong diện tích khu ở 61,49ha).
Ông Huỳnh Uy Dũng.
Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, báo cáo này nêu rõ: Tại khoản 2, Điều 110, Luật Đất đai quy định: “Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây: a/Chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng đã được xây dựng gắn liền với đất;…”.
Đồng thời, báo cáo này cũng cho biết “tại điểm b, khoản 9, Điều 2 của Quyết định số 3505/QĐ-UBND ngày 1.8.2006 của UBND tỉnh về việc thành lập và phê duyệt dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sóng Thần 3, cho phép ứng vốn trước từ khách hàng, huy động vốn từ các nguồn vốn khác”.
Vậy nhưng, bây giờ cũng chính UBND tỉnh Bình Dương “
lật ngược” cho rằng chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã làm trái quy định của pháp luật bằng văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này, chủ đầu tư làm đúng hay làm sai, chúng ta hãy chờ cơ quan thứ ba vào cuộc để có kết luận chính thức.
Trở lại phát biểu trên công luận, ông
Lê Thanh Cung cho rằng trong khu công nghiệp tập trung, theo luật thì không được cho phép hình thành khu dân cư. Dưới luật có 2 nghị định khẳng định việc này, đó là Nghị định 36 và Nghị định 29, nhưng khi đối chiếu Nghị định 29 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20.4.2009, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24.4.2009 về việc “ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê” có đề cập đến vấn đề nhà ở cho công nhân KCN.
Nội dung cụ thể có ghi: “Khi được giao làm chủ đầu tư hạ tầng các KCN, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN được giao đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân” và đề cập nhiều ưu đãi khác cho chủ đầu tư.