Có lẽ, có không ít các bà mẹ trẻ như tôi đã đôi ba lần “chột dạ” khi báo đài bất chợt đưa tin loại sữa A, B, C,… nhiễm bẩn hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, và khi ấy thì hoang mang không biết loại sữa con mình đang dùng có nằm trong “danh sách đen” đó không.
Ảnh minh họa từ internet
Chọn sữa tốt, biết dựa vào tiêu chí nào?Con gái tôi giờ đã được gần 3 tuổi, đã bớt khó tính hơn trong việc ăn uống, đã có thể uống nhiều loại sữa ở hai dạng là sữa bột, sữa tươi của các hãng khác nhau. Tuy vậy, thú thực là cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy hết sức hoang mang về chất lượng của các loại sữa hiện nay. Việc chọn sữa cho con bây giờ vẫn chủ yếu dựa trên cảm giác của con (con có thích, có uống được nhiều sữa loại A, B, C này hay không) và dựa trên cảm quan tiêu dùng của mẹ (về nguồn gốc xuất xứ, về tâm lý số đông có sử dụng loại này hay không).
Tôi không quan tâm nhiều đến cái mác sữa nội hay sữa ngoại, nhưng tất nhiên phải quan tâm sản phẩm đó do công ty nào sản xuất, xuất xứ từ đâu. Ít ra thì đó cũng không phải là những cái tên lạ hoắc chưa (hoặc ít khi) nghe thấy. Thường thì khi mua về, bao giờ tôi cũng thử xem mùi vị, chất lượng của loại sữa này thế nào và đánh giá theo cảm quan của mình để hiểu tâm lý, khẩu vị của con. Qua những lần như thế, tôi quyết định lựa chọn một hãng sữa của Pháp làm thực đơn chính cho con vì thấy loại này thơm, ngon và ít ra là khiến con tôi cũng tăng cân đúng như tiêu chuẩn.
Song, một vài lần khác nhau, khi nghe ti vi, báo đài đưa tin về các loại sữa không đảm bảo chất lượng (trong đó có cả loại sữa có tên tuổi, có thương hiệu) thì tôi lại thấy lo lắng. Tôi chỉ thở phào những lúc đó vì tên loại sữa con mình đang dùng không nằm trong đó, nhưng lại lo, biết đâu vào “một ngày đẹp giời” họ lại bảo sữa con tôi đang dùng không tốt, làm ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển của con tôi.
Thông tin về thành phần dinh dưỡng trong mỗi hộp sữa thường rất nhiều và dài, tôi không thể nhớ hết được và tôi cũng không căn ke để dựa vào đó mà lựa chọn. Bởi thứ nhất, tôi không có khả năng để kiểm chứng những con số đó là đúng hay chưa chính xác. Thứ hai, mọi con số về dinh dưỡng sẽ chỉ là tương đối khi nó ứng với khả năng hấp thụ của mỗi đứa trẻ. Tôi dùng cảm quan về khẩu vị để đánh giá sữa đó có ngon hay không và đặt niềm tin vào sự “an toàn” đối với loại sữa mà mình đã chọn!
Thế nhưng, để tránh như trường hợp của một người bạn cũng có con nhỏ như tôi – người đã dùng và cảm thấy rất ưng một loại sữa cho con trong một thời gian dài, sau đó biết được loại sữa đó có thành phần không đảm bảo an toàn. Tôi đã phải thực hiện phương châm, với mỗi loại sữa, không sử dụng liên tục trong thời gian quá lâu (chỉ trong khoảng 3 - 4 tháng). Bởi nếu đó là sữa tốt thì không sao, chẳng may sau này người ta lại công bố một chỉ số nào đó của sữa không an toàn thì con tôi cũng không sử dụng sản phẩm theo kiểu… trường kì kháng chiến!
Không đặt hết niềm tin vào sữa
"Câu chuyện của những bà mẹ đi tìm sự an toàn cho con"
- là diễn đàn trên Dân Việt, nơi để các bậc phụ huynh cùng chia sẻ
những tâm sự, câu chuyện cũng như kinh nghiệm... của bản thân trên con
đường đi tìm sự an toàn cho sức khỏe, bảo vệ cuộc sống đầy sắc hồng cho
những thiên thần bé nhỏ... Mọi đóng góp, chia sẻ xin gửi về báo điện tử Dân Việt qua hòm thư baodanviet@gmail.com và ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn Câu chuyện của những bà mẹ đi tìm sự an toàn cho con". Những tâm sự, câu chuyện được đăng trên Dân Việt sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định.
|
Không đặt hết niềm tin vào sữa, tôi cố gắng mang lại những sự an toàn khác cho con thông qua nguồn thực phẩm cho chế độ ăn dặm. Trong bối cảnh, các loại thực phẩm hiện nay… chẳng biết thế nào mà lần, tôi đã cố gắng tìm các nguồn thực phẩm có thể yên tâm hơn cho con. Đơn giản nhất là rau.
Khi chưa tự trồng được, thì tôi đi xin hàng xóm – những nhà trồng được rau qua các thùng xốp hoặc nhờ ông bà ngoại gửi rau từ vườn của gia đình ra Hà Nội. Bây giờ, khi nhà tôi có một vườn rau nho nhỏ với đủ các loại thì tôi hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng và sự an toàn đối với sức khỏe của con.
Ngoài ra, những loại thực phẩm khác như hoa quả, gà, trứng,… cái gì có thể mang đi từ quê (có thể là của bố mẹ, ông bà, họ hàng, dân làng) mà mình biết là có nguồn gốc an toàn là tôi sẵn sàng khuân vác ra Hà Nội. Ít nhất, thì những sản phẩm đó khiến tôi yên tâm hơn nhiều so với những thứ mua ngoài chợ.
Tôi cũng cố gắng hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn mà thường tự tay làm cho con. Bởi như thế thì thức ăn tươi ngon hơn và mình cũng biết rõ hơn về các loại nguyên liệu.
Tôi quan niệm rằng, không phải cứ lựa chọn những loại thực phẩm đắt tiền mới là tốt nhất cho con. Các loại thực phẩm phong phú, đa dạng sẽ là sự lựa chọn tốt hơn cho việc bổ sung dinh dưỡng toàn diện cho trẻ. Hơn nữa, trong bối cảnh, không phải hầu bao của tôi lúc nào cũng sẵn sàng cho việc mua những loại thực phẩm trị giá tiền trăm, tiền triệu,… thì cũng sản phẩm bình dân nhưng có nguồn gốc an toàn sẽ mang lại những điều tốt nhất cho con và phù hợp với điều kiện của gia đình mình!