Mấy ngày qua báo chí đưa tin trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu khi bàn về tình hình phòng chống tham nhũng đã đòi hỏi phải “đánh cả hổ lẫn ruồi” với hàm ý “hổ” là quan to - tham nhũng lớn, “ruồi” là quan nhỏ - tham nhũng vặt.
Liệu “đả hổ đánh ruồi” có giảm, có giải quyết được nạn tham nhũng? Thực ra, cách nói “đả hổ đánh ruồi” đã được Mao Trạch Đông dùng trong chống tham ô từ những năm 1950 ở Trung Quốc. Suốt từ đó đến nay các vị lãnh đạo Trung Quốc kế vị nhau đều đã lên tiếng và đưa ra các chính sách quyết liệt theo kiểu “đả hổ đánh ruồi” tuy không nhấn mạnh đến các từ này. “Đả hổ đánh ruồi” lại rộ lên ở Trung Quốc từ tháng 3 năm nay khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc. Và chống tham nhũng là một chính sách ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình.
Như thế ý tưởng của nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng không có gì mới! Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ nét hơn về tính hiệu quả của phương sách này trong chống tham nhũng.
Tại Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào đều đã quyết liệt chống tham nhũng và dẫu được nhấn mạnh hay không thì phương thức “đả hổ đánh ruồi” đều đã được áp dụng.
Nhưng có một câu hỏi cần đặt ra:?Liệu phương sách đó có mang lại kết quả quyết định? Chắc chắn phong trào ấy có tác dụng răn đe, nhưng chưa chắc đã có kết quả quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Quan trọng nhất là có cơ chế để nhanh chóng phát hiện ra tham nhũng, trừng trị những kẻ tham nhũng, tạo ra những khuyến khích để người ta khó và phải tính toán cẩn trọng khi tham nhũng. Bên cạnh đó, chỉ khi xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, minh bạch các vấn đề, xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, có nền pháp trị nghiêm minh cùng với sự kiềm chế sự lạm dụng quyền lực (mà sự độc lập và kiềm chế lẫn nhau của 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp là một cách tuy không hoàn hảo nhưng loài người chưa tìm ra cách tốt hơn) mới là phương sách tốt nhất để đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Cho nên “đả hổ đánh ruồi” chưa chắc đã là cách hữu hiệu trong chống tham nhũng. Bởi nó chỉ triệt tiêu một hiện tượng, sự việc cụ thể chứ chưa xoáy sâu tới bản chất của nạn tham nhũng.
Nhưng trong một chừng mực nào đó, khi cuộc chiến chống tham nhũng vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, vẫn phải coi “đả hổ đánh ruồi” là một giải pháp cần thiết và bức thiết. Làm được điều này đồng nghĩa với việc thể hiện quyết tâm chống tham nhũng quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, lấy lại phần nào niềm tin của nhân dân.