Dân Việt

Người đàn ông gần nửa thế kỷ chết mòn vì bệnh lạ

Nguồn: Dòng Đời 24/11/2013 21:13 GMT+7
Gần 50 năm qua, chú Nguyễn Nhung (51 tuổi), trú tổ 14, thôn Lý Trường, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đành chấp nhận sống với số phận mà ông trời đã an bài. Thân hình ngày càng bị co rút, teo tóp, cứng đơ vì một căn “bệnh lạ” vô phương cứu chữa…
Chúng tôi tìm đến nhà chú Nhung vào một trưa cuối tháng 9 và cũng đúng lúc cả gia đình chú đang tất bật với bữa cơm trưa vội vã. Cần mẫn xúc từng thìa thức ăn, chú Nguyễn Nhung nghẹn ngào không nói thành lời…

Gần nửa thế kỷ qua chú Nhung phải chịu đựng bao đau đớn khi mang trong mình căn “bệnh lạ”
Gần nửa thế kỷ qua chú Nhung phải chịu đựng bao đau đớn khi mang trong mình căn “bệnh lạ”.

Tuổi thơ là những tháng ngày buồn

Thấy chúng tôi đến, chú Nguyễn Ban, em chú Nguyễn Nhung, đầu tóc bù xù, chân tay nhem nhuốc bùn đất, quần áo xộc xệch, chạy ra tiếp đón khách bằng bộ dạng ngượng ngùng. “Mời! Mời… mấy chú ngồi!” - chú Ban vừa ấp úng vừa nói. Nghe tiếng người, cụ Hồ Thị Trung (79 tuổi), mẹ của hai chú, vội tỉnh ngủ khi đang say giấc trên chiếc võng. Bên cạnh một góc nhỏ gian nhà, chú Nhung đang ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, lưng tựa vào chiếc gối kê phía sau. Dường như cơ thể chú bất động toàn phần, chỉ đôi tay là còn linh hoạt, đôi mắt lim dim và cái lưỡi ú ớ những tiếng không rõ lời.

Ngay từ khi sinh ra, cuộc đời đã không “mỉm cười” với chú. Ngồi kể chuyện, nước mắt chú Nhung cứ rơm rớm rơi theo lời kể. Chú không nhớ rõ mình nằm đây bao lâu và cũng không biết mặt mũi cha mình ra sao để mường tượng. Chú chỉ biết là mình lớn lên trong căn nhà rách nát của mẹ và đứa em trai.
Đã ngoài 45 tuổi nhưng chú Ban không lấy vợ mà ở vậy nuôi mẹ già và anh trai liệt giường
Đã ngoài 45 tuổi nhưng chú Ban không lấy vợ mà ở vậy nuôi mẹ già và anh trai liệt giường

Vừa rót nước mời khách, chú Ban vừa chỉ tay về phía người anh đang ngồi bất động trên giường cho hay: “Các chú đến bất ngờ quá! Ảnh (chú Nhung-PV) đó, bị liệt cũng 50 năm ni rồi, mà gia đình nghèo quá nên đâu có tiền đưa đi bệnh viện khám khiết chi, cứ để vậy nên giờ mất hết sức khỏe, chẳng làm được gì. Khổ lắm mấy chú à”.

Theo lời kể chú Ban, lúc lên 10 tuổi, cơ thể chú Nhung có những biến chứng lạ thường không giống bao đứa trẻ khác. Chân tay bắt đầu bị co rút lại, teo tóp, cứng đơ dần dần, rồi đi đứng rất khó khăn, di chuyển đến đâu đều phải cần đến gậy. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, kinh tế gia đình còn nhiều túng bấn nên cha mẹ chú không có nhiều tiền hay thời gian để đưa đi bệnh viện điều trị mà phó thác cho trời. Vài năm sau đó, thân hình bị “chết” đơ, nằm bất động tại chỗ.

Khi hỏi về căn bệnh, chú Nhung ngờ ngợ nói: “Tui cũng chẳng biết hồi nớ (hồi đó - PV) mình bị bệnh chi nữa. Chỉ nghe người ta bảo tui mắc thương hàn, rồi họ bày cho đủ thứ thuốc để chữa, thấy cũng đúng nên về nhà làm theo. Ban đầu, bệnh tình có thuyên giảm chút xíu, chân tay có phần cử động dễ dàng, nhưng chỉ được vài năm rồi đâu vẫn ra đấy. Từ năm 1982 trở đi là tui cứng người hoàn toàn luôn”.

Dù trước đó đã chạy chữa khắp các bệnh viện lớn từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và đến TP.HCM nhưng bệnh tình chú vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí bệnh viện không tài nào chẩn đoán được căn bệnh lạ mà chú đang mang trong người. Mẹ và em trai đã mòn mỏi đi gõ cửa từng bệnh viện, từng bác sĩ, nhưng cuối cùng chỉ nhận được cái lắc đầu đầy thất vọng. Tiền hết, bệnh viện bó tay, tật vẫn mang…

Cũng theo lời kể của chú Nhung, vào năm 1980, gia đình chú có tích góp ít tiền để lặn lội đưa chú vào tận Sài Gòn để khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm phong hàn.

Vượt qua “bóng tối” bằng niềm tin, nghị lực

Từ ngày mắc căn “bệnh lạ”, con đường học tập khép lại và vĩnh viễn chối từ ước mơ trở thành một kỹ sư của chú Nhung. Sức khỏe yếu cùng đôi chân bị liệt đã trói buộc chú trên giường bệnh suốt bao tháng ngày. Chú Nhung hiện chỉ cân nặng chưa đến 15kg. Cơ thể bị “bào mòn” từng ngày khiến chú ốm đau liên miên. Nhiều đêm đang ngủ người bỗng co giật từng đợt. Hết sốt rồi lại khó thở, mấy lần gia đình cứ nghĩ chú “buông xuôi” cuộc đời này rồi.

Dù cơ thể bị “chết” gần hết nhưng chú không muốn người khác xem là “kẻ thừa” của xã hội, ước mơ được trở lại cuộc sống bình thường luôn cháy bỏng trong tâm hồn chú. Cùng với niềm tin, ý chí, nghị lực, từng giây phút trôi qua, chú lại nỗ lực để sớm có một ngày được cầm chén cơm ăn ngon lành, đôi chân lành hẳn để đi đây đi đó, nhiều và còn nhiều hơn nữa những mong muốn, khát vọng bình thường nhưng quả thực lớn lao và gian nan vô cùng đối với một con người bạo bệnh suốt bao nhiêu năm.

Hằng ngày, chú chỉ có thể “ngậm” chưa tới một chén cơm, bởi hàm răng và cơ hàm ở miệng chẳng thể cử động được để nhai, nhất là khi trái gió trở trời. Ăn uống vốn đã khó lắm rồi, đến cả vệ sinh cá nhân thấy còn nhọc nhằn hơn nữa. Hầu như mọi sinh hoạt đều được làm tại giường, do một tay em trai bồng bế, nâng đỡ.

“Thương anh, nghĩ về mẹ nên thôi…”

Chia sẻ với chúng tôi, cụ Trung ngồi kể trong dòng nước mắt nghẹn ngào: “Già buồn lắm mấy cháu ơi! Chồng già mất sớm. Mình già làm lụng lo cho hai đứa thì ai ngờ đứa thì bị như ri (chú Trung), còn đứa thì thương em thương mẹ ở vậy, không cưới vợ (chú Ban). Chắc nhiều người con gái thấy rứa sợ khổ nên không ai dám lấy hắn. Già yếu lắm rồi cũng đi nhanh thôi, già đi rồi già chỉ lo cho hắn mà thôi. Thấy thân thể hắn hao mòn, tiều tụy, ốm đau đủ thứ mà già xót già thương quá! Già mà có nhiều tiền bạc đã dẫn hắn đi khám rồi không để như hôm ni mô”.

Một cục bướu khá to mọc bên hông phải khiến cụ Trung đau thắt những lúc trái gió trở trời
Một cục bướu khá to mọc bên hông phải khiến cụ Trung đau thắt những lúc trái gió trở trời

Vì những năm tháng “lao tâm khổ tứ” vì đàn con, hai mắt cụ đã không còn nhìn thấy rõ, đặc biệt, vài năm trở lại đây, một cục bướu khá to mọc bên hông phải khiến cụ đau thắt những lúc trở trời.

Mẹ mù lòa, bệnh tật, anh liệt giường bất động, mấy chục năm qua, một mình chú Nguyễn Ban phải “oằn” mình gánh vác mọi công việc từ đồng áng đến ăn uống, kể cả vệ sinh cá nhân. Chú đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, không lấy vợ để ở vậy nuôi mẹ già và anh trai liệt người. Chú bảo: “Lắm lúc thương anh, nghĩ về mẹ nên thôi… Hoàn cảnh nhà mình thế này ai thèm cưới chứ. Vả lại nếu có gia đình, ở chung thì chật chội, mà ở riêng thì mẹ với anh Nhung biết dựa vô ai mà sống, ai lo cho mẹ và anh bây chừ? Thôi cũng ngậm đắng nuốt cay, đời có nhiêu năm nữa đâu, ráng chăm sóc mẹ và anh được chu tất là chú vui nhứt rồi”.

Hiện nay, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, thường trực nỗi lo thiếu đói quanh năm. Sống được như hôm nay cũng may nhờ nhờ bát cơm, bát cháo của bà con xóm làng giúp đỡ. “Không biết anh Nhung có thể còn cầm cự được bao lâu khi kinh tế gia đình đã kiệt quệ. Mong sao có ai đó thương tình giúp đỡ để gia đình bớt khó khăn và có thêm thuốc thang chữa bệnh, và sau nữa là lo cho tương lai” - một người dân địa phương cảm thương cho biết.
Nhiều lúc chú Ban đi làm vắng nhà, cụ Trung phải thay chú Ban chăm chú Nhung từng miếng ăn, giấc ngủ, ngay cả vệ sinh cá nhân...
Nhiều lúc chú Ban đi làm vắng nhà, cụ Trung phải thay chú Ban chăm chú Nhung từng miếng ăn, giấc ngủ, ngay cả vệ sinh cá nhân...

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đức Phố, tổ trưởng tổ 14 cho biết: “Gia đình chú Nhung đã là hộ nghèo mấy chục năm nay, thuộc diện những hộ nghèo nhất trong thôn, trong tổ. Một mình chú Ban vừa cày cấy vừa phải nuôi hai người bị bệnh quả là vất vả vô cùng. Địa phương và bà con chòm xóm vẫn thường xuyên đến nhà hỏi thăm, động viên, giúp đỡ gia đình. Chúng tôi mong sắp tới đây, các mạnh thường quân, các tấm lòng vàng khắp cả nước sẽ cứu giúp gia đình chú Nhung dù ít dù nhiều”.

Rời căn nhà nhỏ, chia tay chú Nhung - người cả đời sống trong sự đau đớn và mặc cảm về căn bệnh mà mình đã mang trên người, chúng tôi không khỏi chạnh lòng về một kiếp người giữa thế gian. Rồi không biết ngày mai chú Nhung sẽ sống ra sao khi tuổi già đang cận kề, căn bệnh quái ác vẫn tiếc tục hành hạ? Lỡ khi chú Ban, mẹ già không còn trên cõi đời này nữa, cuộc đời chú sẽ đi đâu, về đâu? Có lẽ, là lối về đầy tăm tối, bế tắc...

Chia tay gia đình, chúng tôi trở về mà lòng đượm buồn. Đâu đó quanh ta, còn lắm những cảnh đời bất hạnh, nghèo đói như thế này...