Nhưng riêng ông già bán vé số, người được gọi là "thần tài" đem may mắn đến cho mọi nhà thì vẫn nghèo khổ.
Hàng ngày ông vẫn nuôi hy vọng một lúc nào đó, sẽ có một tờ vé số trúng độc đắc và xây được căn nhà đẹp hơn cho vợ con mình.
100 người trong làng trúng số cùng ngày
Trong thời gian gần đây, ở miền Tây, bất kể đi đâu cũng nghe người ta bàn tán đến chuyện cả làng ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành trúng số. Tò mò và muốn biết thực hư câu chuyện, chúng tôi đã tìm về tận nơi để tìm hiểu.
Tấp vào một quán nước ven đường thuộc xã Tân Phú, chúng tôi dò hỏi về chuyện cả làng bỗng nhiên giàu lên nhờ vé số, người chủ quán nhanh nhảu: "Đó là chuyện có thực. Trước đây, xã này có nhiều người nghèo lắm, nhưng sau một đêm bỗng nhiên giàu có hẳn lên". Người đàn ông này cho biết, người dân trong xã giờ đây ai cũng thuộc lòng con số đã giúp mình trở nên giàu có. Con số may mắn đó là 606093.
Cách đây khoảng chừng một tháng rưỡi, ngày 10.8, ông Nguyễn Văn Thiềm đạp xe đi khắp xã mời mọi người mua vé số. Thật buồn, cả ngày ông bán chẳng được bao nhiêu tờ.
Đến chiều, vì vé số còn quá nhiều nên ông phải cố gắng đạp xe đi khắp hang cùng ngõ hẻm của xã để nhờ mọi người mua giùm. Chính ông Thiềm cũng không thể ngờ được, chỉ khoảng hơn ba tiếng mà xấp vé số gần 100 vé ông bán sạch trơn.
Đến chiều tối hôm đó, đài Vĩnh Long thông báo kết quả xổ số trúng độc đắc là số 606093. Trong khi đó, xấp vé số của ông Thiềm bán cho người dân có đến bảy vé là con số trên (tức trúng số độc đắc) và 63 vé trúng giải may mắn.
Đối với những vé trúng số độc đắc được 1,5 tỷ đồng, còn vé may mắn được 100 triệu đồng. Như vậy, trong xã những người dân mua vé số đã trúng được 13,8 tỷ đồng.
Ngay sáng hôm sau, cả xã nghèo Tân Phú bỗng nhiên trở nên chộn rộn khi ông Thiềm vui mừng thông báo hầu hết những người mua vé số hôm trước đều trúng với số tiền lớn. Tất cả những người đã mua đều lấy vé số của mình ra so với con số may mắn mà ông Thiềm đưa ra. Nhiều người cầm chiếc vé trên tay, dò đi dò lại, thấy đúng rồi mà vẫn không tin mình đã trúng số.
Đến xã Tân Phú, khi hỏi người dân về những người đã trúng số độc đắc, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể kể vanh vách đó là ông Thum, "Bảy" Nghề, Cọp "Mập", Cọp "Cao"...
Anh Cọp "Cao" là một người dân ở huyện Chợ Mới theo người thân đến xã Tân Phú để làm thuê. Hôm đó, anh Cọp "Cao" đang ngồi ăn trong một quán ven đường, ông Thiềm đến mời người đàn ông bên cạnh mua vé số. Người đàn ông đó rất muốn mua số nhưng trong túi chỉ còn sáu nghìn nên không thể mua mà trả lại cho ông Thiềm.
Ông Thiềm lại lấy tờ vé số đó mời anh Cọp "Cao". Thôi thì mua để ủng hộ ông già nên anh Cao cũng không chú tâm đến kết quả của nó. Đến hôm sau, khi nghe ông Thiềm bán số đến bảo ngày hôm qua trúng số, anh nghĩ ông đùa. Đến khi lấy tờ vé số ra, anh mừng hét lên vì sung sướng.
Ông Thiềm với căn nhà đổ nát của mình |
Từ trước đến nay, Cọp "Cao" không bao giờ tin vào sự may rủi của món vé số, thế mà giờ, nhờ nó mà từ hai bàn tay trắng, anh trở thành một "tỉ phú". Sau khi có được 1,5 tỷ đồng, số tiền mà cả đời anh cũng không dám mơ tới, anh trở lại quê nhà, sửa chữa nhà cửa và lên kế hoạch... lấy vợ. Tuy nhiên, số tiền còn lại vẫn đủ để anh mua thêm tám công đất để trồng lúa và gửi ngân hàng lấy lãi.
Còn Cọp "Mập" là một người gốc Tiền Giang về xã Tân Phú để làm nghề sửa máy sấy lúa. Gia đình quá nghèo, anh không có tiền để thuê nhà nên dựng tạm một căn chòi nhỏ bên cạnh mé sông để sống qua ngày.
Ngày 10.8, anh được ông Thiềm mời mua vé số, ban đầu cũng không định mua nhưng anh chợt nghĩ "mua số có khi đổi đời". Không thể ngờ, anh chàng nghèo rớt mồng tơi ấy chỉ sau một đêm đã trở thành một người giàu có.
Số tiền trúng được, Cọp "Mập" dùng để trả nợ ngân hàng, số còn lại cất trong ngân hàng lấy lãi. "Từ trước đến nay chỉ toàn bị nợ ngân hàng, nay có tiền gửi vào đó để có cảm giác mình cũng là người giàu có", anh cười tươi chia sẻ. Mặc dù đã trở thành "tỷ phú", nhưng Cọp "Mập" vẫn bám trụ với công việc sửa máy sấy lúa của mình bởi "tiền chừng đó tiêu thì cũng hết, nhưng nếu vẫn lao động, sống được thì tiền đó sẽ còn mãi".
"Thần tài" vẫn sống trong căn nhà nát
Người dân trong xã Tân Phú gọi ông Nguyễn Văn Thiềm là "thần tài", người đã đem sự may mắn đến cho nhiều người. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến gia đình ông Thiềm. Mang hàng chục tỷ đồng về cho bà con thôn xóm nhưng ông vẫn sống trong một căn chòi làm bằng lá dừa, đổ nát, thấp lè tè ven bờ kênh. Khi chúng tôi đến, ông phải cúi xuống để ra ngoài vì căn nhà quá thấp.
Ông Thiềm cho biết, mình chính là người vẫn thường bán vé số cho người dân trong xã và là người đã bán xấp bảy mươi vé số ngày 10.8. Sau khi người dân trong xã trúng số, người ta cũng đồn ông trúng được mấy tờ an ủi.
Tuy nhiên, khi hỏi về điều này, ông Thiềm cho biết, đó chỉ là lời đồn, còn sự thực thì ông không trúng bất kỳ tờ vé số nào. "Xấp số trúng có bảy mươi vé, người dân trong xã trúng hết bảy mươi vé thì tôi còn vé nào đâu để mà trúng", ông Thiềm cho biết.
Hầu hết, tất cả những người bán vé số đều hy vọng người mình bán cho sẽ trúng số rồi người mua sẽ nhớ đến và cho họ một ít tiền. Tuy nhiên, từ ngày ông Thiềm trở thành "thần tài" của người dân trong xã Tân Phú thì ông chỉ mới nhận được 5,8 triệu đồng từ những người trúng độc đắc, còn những người trúng vé an ủi thì quên bẵng mất ông.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thiềm cho biết, không hề buồn vì những người trúng số đã không nhớ đến người đã đem đến cho họ sự may mắn. Bởi theo ông "làm nghề này là vậy, họ trúng, nếu cho thì hoan hỷ, không thì cũng vui mừng vì đã mang lại niềm vui cho người khác".
Từ ngày người dân trúng số đến nay, ngày nào ông Thiềm cũng đi bán vé số như trước. "Lời đồn của mọi người không đúng, tôi vẫn phải kiếm miếng cơm manh áo mà mấy chú", ông Thiềm chia sẻ.
Ông cũng cho biết, là người bán vé số, ông luôn mong muốn và hy vọng sẽ mang lại niềm vui cho mọi người. Bởi trước đây, xã Tân Phú khá nghèo, nhưng sau khi nhiều người trúng số, bộ mặt của xã cũng như mức sống người dân khởi sắc hơn hẳn.
Kể chuyện nhiều người trúng số, ông Thiềm bảo rất vui với niềm vui của bà con, nhưng ông thoáng chạnh lòng, sao "thần tài" chẳng chịu viếng thăm gia đình mình lấy một lần!". Ông Thiềm vốn là người rất hăng say lao động. Trước đây, ông làm rất nhiều nghề.
Nhưng cứ hễ "động đâu là lỗ đó" nên ông bị phá sản. Cuối cùng, phải bán cả mảnh đất cạnh tỉnh lộ để trả nợ. Sau đó ông bắt đầu hành nghề vé số. Nhìn căn nhà dột nát của mình, mắt người đàn ông như sầm lại song ông vẫn hy vọng "mong một ngày nào đó, tôi sẽ giữ lại một tờ vé số trúng độc đắc và xây được căn nhà đẹp hơn cho vợ con".