Ngày mới về làm dâu, mẹ chồng ghé tai tôi hỏi, “chu kỳ” của con thế nào, có đều không? Nếu đều, để mẹ tính cho, sinh con theo ý muốn ngay…
“Tôi ngượng ngùng và miễn cưỡng trả lời vì tưởng đó chỉ là câu nói đùa của bà trong lúc vui vẻ, không ngờ bà nói thật, thế là từ đó, chuyện riêng tư của 2 vợ chồng bỗng trở thành chuyện chung của cả gia đình…” - chị Yến (Thanh Trì - Hà Nội) kể.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng chồng chị Yến lại là con trai độc nhất của một dòng họ. Do vậy, tuy không phải lo lắng về vấn đề kinh tế, nhưng áp lực sinh con trai thì luôn đè nặng lên vai những người phụ nữ trong gia đình, nhất là mẹ chồng chị.
“Bà bảo, cả nhà cả họ bây giờ, chỉ chờ có cháu trai là mở tiệc ăn mừng. Vì thế, việc sinh con không còn là việc riêng của 2 vợ chồng nữa mà là việc chung của cả gia đình, là trách nhiệm phải nối dõi tông đường cho cả dòng họ. Do đó, 2 vợ chồng phải hết sức cố gắng, bằng giá nào cũng phải sinh cho được con trai.
Thế là từ đó, mọi “sinh hoạt” của 2 vợ chồng đều phải nhất nhất tuân theo lịch sắp xếp của bà. Thậm chí, bà còn lập hẳn một “thời khóa biểu” về lịch “yêu” rồi treo vào phòng cho 2 vợ chồng và không quên “kiểm soát” một cách nghiêm ngặt.
“Có hôm, 2 vợ chồng đang đùa cợt vui vẻ trong phòng thì bà mở cửa bước vào, cau có chỉ lên “thời khóa biểu” có đánh dấu đỏ chót, rồi đùng đùng bỏ ra ngoài, ra chuyện hôm nay không phải là ngày để “yêu””- chị Yến kể.
Lại có hôm, đúng đến lịch mà bà sắp xếp thì 2 vợ chồng giận dỗi cãi vã nhau ở công ty nên về đến nhà, chẳng ai nói với ai câu nào. Thấy vậy, bà vô cùng lo lắng và ra sức tạo điều kiện để 2 vợ chồng làm lành với nhau.
Khi mọi cố gắng đều không thành, bà gọi từng đứa vào phòng rồi chỉ lên “thời khóa biểu yêu” với một bài diễn thuyết dài dằng dặc về trách nhiệm, và nghĩa vụ với gia đình, và dòng họ khiến cả 2 vợ chồng đều ngán ngẩm.
“Cũng may chỉ mấy tháng sau khi kết hôn thì mình có thai. Tuy nhiên, ngay cả khi biết mình đã có thai, 2 vợ chồng cũng vẫn lo lắng không yên vì lúc nào bà cũng giục đi kiểm tra xem đứa bé trong bụng là trai hay là gái? Chỉ đến khi biết chắc chắn đứa bé là con trai, mình mới thở phào nhẹ nhõm” – chị Yến vui vẻ kể lại.
Cấm yêu đêm tân hôn vì kiêng
Nếu như chị Yến trong câu chuyện phía trên đã quá khổ sở vì bị mẹ chồng sắp lịch “yêu” thì chị Minh (Ba Đình - Hà Nội) lại ngán ngẩm vì gặp phải mẹ chồng mê tín.
Chị Minh kể: “Ngay từ khi mới về ra mắt và quyết định đi đến hôn nhân, mình đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của mẹ chồng vì 2 đứa không hợp tuổi. Tuy nhiên, sau khi đấu tranh quyết liệt, bà cũng đành chịu và cho làm đám cưới, nhưng lại nhất quyết bắt 2 vợ chồng cam kết không được sinh con trong năm nay vì trong gia đình, chồng tuổi Hợi, vợ tuổi Dần, năm nay lại là năm Tỵ, nên nếu sinh con thì sẽ thành tam tai, xung khắc.
Mình không mê tín, nhưng vì thấy 2 vợ chồng vẫn còn nhiều việc phải làm nên chưa cần sinh con vội. Vì thế, 2 vợ chồng đã đồng ý với ý kiến của bà. Thế nhưng, khi đã ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn, mình mới biết sự mê tín thái quá của bà không chỉ dừng lại ở đấy.
Vào ngày cưới của 2 vợ chồng, không may một nhà trong xóm lại có đám tang. Thế là, sau khi tổ chức đám cưới ở nhà hàng về, không hiểu bà xem xét, bói toán hay dựa vào cơ sở nào lại ngăn cấm 2 vợ chồng không được “động phòng”. Bà bảo, phải kiêng như vậy thì mới tránh được âm khí từ đám tang xâm nhập, khiến cho sức khỏe sau này của 2 vợ chồng sớm bị tàn lụi, và chuyện vợ chồng cũng sẽ gặp nhiều trục trặc…
“Chẳng biết sự kiêng kỵ của bà đúng sai đến đâu, chỉ biết, đêm tân hôn vợ chồng mình mỗi đứa đã phải ôm gối đi 1 nơi để ngủ” - chị Minh ngán ngẩm nói.