Dân Việt

Sốc, phẫn nộ và hoang mang

Anh Đào 09/08/2013 13:10 GMT+7
“Sau khi “làm ma”, người cha “tắm hậu sự” cho con thì phát hiện đứa bé đã tím tái, đang hua tay lên trời. "Nếu không mang cháu ra tắm rửa thì chính tôi là kẻ đã mang con mình đi chôn sống".
Người cha chất phác ở Núi Thành, Quảng Nam đã nghẹn ngào thốt lên như thế khi kể lại câu chuyện “bé sơ sinh sống lại sau khi bệnh viện trả về”. Kinh khủng. Sốc. Phẫn nộ. Hoang mang. Đây là những từ ngữ mà dư luận xã hội đã dùng để mô tả sự phẫn nộ của họ. Cũng chính là những từ ngữ mà sau đó chỉ một ngày, họ bày tỏ thái độ khi xảy ra vụ “2 mẹ con sản phụ chết vì bị bỏ mặc” ở Cần Thơ, và nghiêm trọng nhất là vụ “Nhân bản hàng ngàn kết quả xét nghiệm” tại BV Đa khoa Hoài Đức được báo chí phát hiện.

Sau ca “trả về” một đứa trẻ còn sống ở Quảng Nam, giám đốc bệnh viện nói lời xin lỗi, kèm theo một lời giải thích “chủ quan” và thanh minh vị bác sĩ đó có 30 năm kinh nghiệm. Sau vụ nhân bản bị phát hiện, rất nhanh chóng, ngành y tế đình chỉ công tác… những người liên quan. “30 năm kinh nghiệm” nhưng sự tắc trách thì chẳng cần một ngày nào để thành kinh nghiệm cả. “30 năm kinh nghiệm”, trong những trường hợp như thế này, hoàn toàn không đồng nghĩa với trách nhiệm.

Sau vụ vaccin, ngành y tế giải thích là do “sốc phản vệ không rõ nguyên nhân” và Bộ trưởng nói rằng lỗi vaccin thì xử lý vaccin. Những sai sót y khoa, những ca tai biến hay sốc phản vệ, ngành y tế có thể giải thích theo kiểu y tế. Nhưng giờ đây, đối với những việc làm gây ra hậu quả nghiệm trong như thế thì liệu ngành y tế có thể trả lời công luận bằng một lý do kèm theo 4 chữ “không rõ nguyên nhân”. Hay là lại “lỗi xét nghiệm thì xử lý xét nghiệm”? Có một điều không khó để nhận ra: Ngành y tế đang tồn tại một vấn đề trầm trọng về y đức, khi trong vô số trường hợp, “từ mẫu” đã bị khai tử để khai sinh những “bác sĩ tử thần”.

Khi viết 9 điều y huấn cách ngôn thời Vua Lê- Chúa Trịnh, Hải Thượng Lãn Ông đã nói đến chữ Tâm, đến “Nhân thuật”: “Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công”. Những điều lo của cụ được xem như ông tổ của ngành y giờ đây đã thành sự thật khi chữ tâm, khi nhân thuật không còn là chuyện “con sâu” nữa, bị một lớp hậu sinh xấu xí “đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán”.