Hỗ trợ nông dân mạnh mẽ hơnTheo bản tổng hợp của Ủy ban T.Ư MTTQ, trong 9 tháng đầu năm 2013, cử tri và nhân dân cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực tam nông có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, đời sống của nhiều nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, do thu nhập rất thấp, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa; một số nơi có hiện tượng nông dân bỏ ruộng. Tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả phổ biến, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Ngành cá tra giảm diện tích và sản lượng, nhiều người nuôi lỗ nặng...
Thời gian qua, nông dân một số địa phương gặp khó khăn, mất mát do thiên tai, nhất là tại các tỉnh miền Trung.
Trên cơ sở đó, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn, hiệu quả hơn cho nông dân như: Cung cấp giống chất lượng cao, vay vốn hoặc trợ giá mua máy móc nông nghiệp, cung cấp thông tin về giá cả và thị trường để người nông dân có định hướng sản xuất phù hợp và nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.
“Năm 2014 cần tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả; hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả hơn cho nông dân, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như thuỷ lợi, đường giao thông, điện, nước; hướng sản xuất nông nghiệp tới xuất khẩu; có chính sách để người nông dân không bỏ ruộng...” - ý kiến cử tri nêu rõ.
Cũng theo báo cáo, thời gian qua, đời sống người dân một số địa phương gặp khó khăn, mất mát do thiên tai, nhất các tỉnh miền Trung và một số nơi như Cà Mau, Lào Cai. Do đó, cử tri đòi hỏi sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực của Chính phủ, các bộ ngành và toàn xã hội để giúp nhân dân và chính quyền các địa phương sớm khắc phục hậu quả sau bão.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ TNMT và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm tăng cường công tác bảo vệ rừng, công tác thuỷ lợi và phòng chống lụt bão; quản lý chặt chẽ và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc đảm bảo chất lượng công trình và an toàn hồ chứa nước, đập thủy điện...
Bức xúc lĩnh vực y tế Trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, cử tri và nhân dân thẳng thắn cho rằng, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện và sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng ngành y tế dẫn đến một số vi phạm nghiêm trọng, điển hình như: Vụ "nhân bản" xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội; việc sử dụng vaccine viêm gan B dẫn đến chết người tại Quảng Trị và một số địa phương; việc quản lý và sử dụng không đúng vật tư y tế, tài chính của một số cơ sở y tế.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, quản lý và lưu thông thuốc chữa bệnh, giá thuốc; nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là vụ Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; vụ vận chuyển, xử lý phân, rác thải từ máy bay ở sân bay Nội Bài; cử tri và nhân dân kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc buông lỏng quản lý về môi trường; tăng mức xử phạt và xử lý nghiêm các cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường.
Xử lý dứt điểm các tham nhũng lớnLiên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, cử tri cho rằng: Trong năm 2013, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai khá đồng bộ trên các mặt cả về hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như củng cố bộ máy, tổ chức thực hiện pháp luật. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế.
Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí.
Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm. “Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp”- báo cáo nêu.
Kiến nghị làm rõ 4 vấn đề
Ngoài các kiến nghị trên, Đoàn Ủy ban T.Ư MTTQ VN kiến nghị làm rõ 4 vấn đề nóng: - Làm rõ kết quả công tác dạy nghề và việc khắc phục những bất cập, hạn chế của công tác đào tạo nghề 2012-2013, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nông dân ở những nơi bị thu hồi đất. - Kiểm tra, rà soát về kết quả 3 năm thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. - Việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản mang tính lũng đoạn thị trường gây ra nhiều thiệt hại cho nông dân. - Tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công trong cả nước, tập trung cao nhất cho việc giải quyết đúng chính sách người có công cho các đối tượng chưa được hưởng đầy đủ các chính sách người có công hiện hành.
|