Dân Việt

Kết thúc xét tuyển ĐH-CĐ 2013: Nhiều thí sinh chọn học nghề

Tùng Anh 01/11/2013 11:32 GMT+7
Theo thống kê, ngày cuối cùng của đợt tuyển sinh năm 2013, nhiều trường đại học (ĐH) dân lập và một số ngành của các ĐH vùng không tuyển nổi 50% chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong đó cá biệt có trường chỉ tiêu tuyển là 1.000 sinh viên, nhưng chỉ tuyển được 75 em. Vì sao? Câu trả lời có vẻ khá bất ngờ: Thí sinh chuyển hướng đi học nghề ngay.

Kỳ thi ĐH – CĐ năm 2013, Nguyễn Thị Bích Hoà (An Bài, Quỳnh Phụ, Thái Bình) không trúng tuyển vào ĐH Sư phạm Hà Nội với số điểm 16 (kém 2 điểm so với điểm chuẩn). Hoà nộp hồ sơ vào Trường Trung cấp nghề Thái Bình, học ngành may thời trang. Hoà cho biết: “Với số điểm này em có thể đỗ vào rất nhiều trường ĐH dân lập nếu muốn, nhưng em vẫn quyết định đi học nghề. Thà học nghề may để sau này có điều kiện có thể mở cửa hàng thời trang theo mơ ước của em còn hơn học lấy tấm bằng ĐH “vớ vẩn” nào đó rồi sau không biết làm gì”- Hoà nói.

Thi không đỗ các trường có uy tín, thí sinh nhanh chóng chuyển hướng đi học nghề.
Thi không đỗ các trường có uy tín, thí sinh nhanh chóng chuyển hướng đi học nghề.

Cũng giống như Hoà, cặp sinh đôi Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Khánh (Yên Thế, Bắc Giang) đều chọn con đường theo chú ruột học nghề mộc trong khi điểm thi ĐH năm 2013 vào Trường ĐH Bách khoa của hai anh em là 15 điểm (Hùng) và 16 điểm (Khánh).

Bố của hai em – ông Nguyễn Văn Vượng cho biết: “Nếu xét tuyển vào ĐH dân lập thì chắc 2 cháu cũng đỗ, nhưng gia đình không đủ tiền nuôi, học phí quá đắt. Vì vậy cả hai đứa đều quyết tâm học nghề. Khu này nghề mộc làm ăn rất tốt, chẳng mấy chốc có của ăn của để”. Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT Bán công Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: “Gần đây, nhiều trường đã làm khá tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, chính vì vậy mà các em đã nhận thức được: Học ĐH không phải là tất cả, không phải vào ĐH bằng mọi giá”.

Ông Lê Văn Cương – cán bộ Sở GDĐT Thanh Hoá thì cho rằng: “Cách đây vài năm học ĐH trở thành phong trào. Nhưng hiện nhiều nhà có con đỗ ĐH cũng không vui như trước mà lo lắng nhiều hơn vì quá nhiều khoản phí đóng góp. Chính vì điều này mà ngành giáo dục Thanh Hoá đã phải quyết liệt làm công tác phân luồng từ sớm để thay đổi nhận thức của các em”.

Theo TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT): “Trước thực trạng khó tuyển sinh, một số trường đề nghị Bộ nhanh chóng cho xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, kể cả Bộ có cho các trường tự tuyển sinh hay chỉ xét tuyển thì vẫn sẽ có những trường phải giải thể vì không có người học. Trường nào gây dựng được uy tín, sinh viên ra trường có việc làm thì mới được xã hội công nhận”.