Giờ Hào Anh là thợ mộc 17 tuổi.
|
"Con có biết ghét ai đâu. Chuyện đã qua rồi cho nó qua đi". Câu nói vừa hồn nhiên vừa phảng phất giọng điệu người lớn này là của Hào Anh, nạn nhân vụ hành hạ một thời chấn động công luận.
Cậu bé đen đủi, gầy gò, gánh trên mình đủ loại bệnh tật do bị vợ chồng chủ trại tôm giống Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm (xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) hành hạ dã man ngày nào giờ đây đã là một thiếu niên cao ráo 17 tuổi.
Hiện Hào Anh sống cùng mẹ ruột và cha kế tại một căn nhà thuê ở đường Trương Phùng Xuân (khóm 4, phường 8, TP Cà Mau). Hằng ngày, Hào Anh phụ mẹ lột tỏi mướn và theo cha đi làm thợ mộc.
Nghề mộc và 500 triệu đồng
Tính đến nay, Hào Anh được mẹ ruột là bà Phạm Thị Thoa xin ra khỏi Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, về sống với gia đình được hơn một năm. Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc Hào Anh vừa cùng cha là ông Nguyễn Xuân Hùng trở về ăn trưa sau một buổi sáng đi ráp cầu thang gỗ. Ăn trưa xong, Hào Anh xông vào phụ mẹ lột tỏi để đến khoảng 13h lại cùng cha xách đồ nghề đi làm mộc.
Năm ngoái, khi đang học lớp 5 Trường tiểu học Kim Đồng (TP Cà Mau), chỉ còn một tháng nữa là nghỉ hè nhưng Hào Anh thường bỏ trốn khỏi Trung tâm Bảo trợ xã hội, đòi về nhà.
"Mỗi lần nó quậy là trung tâm mời tui lên, tui khuyên nó hoài nhưng không được nên xin nó về chứ tui biết ở đó nó được học hành đàng hoàng, đương nhiên là tốt hơn ở nhà" - bà Thoa lý giải vì sao đem Hào Anh về sống chung.
Về nhà, Hào Anh cũng được bà con hàng xóm cho sách, tập để học nhưng cũng không học được vì đầu óc lúc nhớ lúc quên.
Bà Thoa nói: "Trước mắt tui cho nó đi làm mướn, khi nào đầu óc nó ổn định và muốn đi học thì tui cho học". Khi chúng tôi hỏi lý do không chịu đi học nữa, Hào Anh cũng nói "con học không nhớ, không tiếp thu được bài gì hết".
Sau khi làm một vài việc không thành, Hào Anh theo cha đến làm tại một xưởng mộc ở phường 1 (TP Cà Mau) cho đến nay. Do cơ sở này giao khoán sản phẩm nên Hào Anh và cha ít khi làm tại xưởng mà thường vác đồ nghề đi ráp bàn, ghế, tủ, cầu thang... cho nhiều gia chủ ở khắp TP Cà Mau. Công việc cũng khá nhẹ nhàng như phụ cha lấy dụng cụ, dán keo, chà giấy nhám trên bề mặt gỗ...
Bà Nguyễn Kim Chung - một hàng xóm của gia đình Hào Anh - cho biết từ khi về đây, Hào Anh thường quây quần ở nhà phụ giúp mẹ, hết giúp mẹ lại theo cha đi làm mộc. Về mối quan hệ với hàng xóm, cả gia đình Hào Anh cũng qua lại với mọi người bình thường, không xích mích với ai.
Còn theo ông Mã Ngoan Cường - Chủ tịch UBND phường 8, lúc Hào Anh mới về nhà, ban ngành đoàn thể phường có đến thăm hỏi, hỗ trợ nhưng đến nay cuộc sống gia đình khá ổn định nên phường cũng chỉ giám sát.
Hào Anh ấp ủ ước mơ sau này trưởng thành, đủ điều kiện nhận số tiền của các nhà hảo tâm (hơn 500 triệu đồng, đang được Sở Lao động - thương binh và xã hội Cà Mau gửi ngân hàng với kỳ hạn 5 năm, chờ Hào Anh trưởng thành sẽ giao lại) sẽ mua miếng đất cất nhà, nếu còn vốn sẽ mở trại mộc để cùng làm với cha.
Hào Anh khoe thời gian theo cha ở xưởng mộc giờ em cũng đã học lỏm được khá nhiều, còn việc học chữ thì "chắc không học nữa vì con cũng học được một ít rồi".
Hào Anh gần ba năm trước.
|
Để không có thêm một Hào Anh nữa
Ông Nguyễn Tuấn Sinh - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau - cho biết sau khi xảy ra vụ Hào Anh, sở đã nhìn nhận lại và thấy đúng là trước đó chưa đánh động, chưa làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tố giác xâm hại trẻ em, việc quản lý trẻ em còn thiếu chặt chẽ nên khi xảy ra vi phạm địa phương không nắm được.
Ngay sau vụ hành hạ Hào Anh, sở đã mở các lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật về bảo vệ trẻ em cho cán bộ cấp xã, hướng dẫn báo cáo hằng tháng, quý tình hình công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em tại địa phương.
Ngoài ra, sở cũng đã đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cho sử dụng lực lượng cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em (1.866 người) ở khóm, ấp mà từ năm 2008 đến nay lực lượng này chủ yếu làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Theo đó, ngoài việc làm công tác của ngành y tế, họ sẽ nắm thêm thông tin, số liệu, đời sống trẻ em ở khóm, ấp.
Tương tự, ông Đặng Hoàng Vũ - phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh - nói khi xảy ra vụ Hào Anh, UBND xã đã chỉ đạo phải siết chặt việc quản lý hộ khẩu.
Xã cũng chia nhỏ các tổ nhân dân tự quản, rút số hộ dân trong tổ từ 50 - 60 hộ còn 20 - 25 hộ để nắm bắt thông tin ở địa bàn nhanh hơn. Người dân trong tổ sẽ có sinh hoạt định kỳ để tổ trưởng báo cáo tình hình cho công an ấp và công an báo cáo lên UBND xã.
Theo ông Vũ, vừa qua có một vụ bạo lực ở gia đình và do được người dân báo ngay, xã đã xử phạt hành chính đối với trường hợp này.
Đầu tháng 5.2010, Công an xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau giải cứu Hào Anh từ trại tôm giống của Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm ở ấp Phú Hiệp sau một thời gian dài bị Giang - Thơm cùng hai người làm hành hạ dã man như ép uống nước tiểu, bị búa đập vào đầu gối, kìm kẹp sứt môi...
Ngày 29.6.2010, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm tuyên phạt Giang - Thơm mỗi người 23 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Hai người làm cho Giang - Thơm là Lưu Văn Khánh và Lâm Lý Quỳnh bị phạt 1 năm 6 tháng tù.
Do Giang - Thơm kháng cáo, ngày 25.11.2010, TAND tối cao tại TP.HCM đã mở phiên xử phúc thẩm và tuyên y án bản án sơ thẩm. Liên quan tới vụ này, năm cán bộ xã Ngọc Chánh cũng bị kỷ luật.
Vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm đang thụ án tại trại giam Cái Tàu (Bộ Công an) đóng tại huyện U Minh, Cà Mau.
Ông Lê Quốc Phấn, giám thị Trại giam Cái Tàu, cho biết Giang - Thơm đã biết ăn năn hối cải, chấp hành nghiêm túc nội quy trại giam, luôn đạt loại khá trở lên và đến nay chưa có biểu hiện vi phạm nội quy.
Lãnh đạo UBND xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi) cho biết Lâm Lý Quỳnh mãn hạn tù trở về địa phương vào cuối năm 2011 và chấp hành pháp luật tốt, không có tai tiếng gì nữa. Hiện Quỳnh đang phụ bán cà phê cho một người dì.
Còn Lưu Văn Khánh, theo ông Mã Ngoan Cường - chủ tịch UBND P.8 (TP Cà Mau), sau khi mãn hạn tù trở về địa phương làm nghề sửa xe, Khánh có theo bạn nhậu rồi tham gia đánh người nên đã bị tòa tuyên án 2 năm.