Dân Việt

Mất chức vì... làm việc tốt cho người dân

Đồng Nguyên 01/10/2013 06:48 GMT+7
Những việc làm “nóng vội” của ông Chủ tịch UBND xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) đã mang lại hiệu quả rất lớn cho địa phương. Tuy nhiên, chính vì vậy mà ông bị cách chức...
Huyện sai, xã bị kỷ luật

Sai phạm thứ nhất mà ông Nguyễn Đại Hà - Chủ tịch UBND xã Ea Tam bị cáo buộc là trong thời gian đi học đã để cấp phó trình UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình thủy lợi Buôn Trắp với giá trị hơn 350 triệu đồng. Đây là diện tích đất lấn chiếm rừng phòng hộ, về nguyên tắc chỉ được hỗ trợ công khai hoang.

Trên thực tế, nguyên nhân khách quan là lúc đó người dân phản ứng quyết liệt, thủy lợi Buôn Trắp do huyện làm chủ đầu tư có nguy cơ bị cắt vốn. Nguyên nhân chủ quan là do UBND huyện chỉ đạo từ đầu đến cuối, biết rõ đất rừng phòng hộ nhưng vẫn yêu cầu xã tham mưu. Mặc dù vậy, việc này không gây thiệt hại gì, bởi UBND huyện thời kỳ đó có ra quyết định đền bù nhưng chưa trả tiền cho dân, còn công trình thủy lợi đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay. Mới đây, huyện đã khắc phục bằng cách sửa “đền bù” thành “hỗ trợ” đối với diện tích trên, người dân không khiếu nại gì.

Về mặt pháp lý, ngày 14.9.2011, UBND huyện có văn bản dẫn kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Đăk Lăk, chỉ rõ: “Trách nhiệm chính thuộc về Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện và Chủ tịch UBND huyện thời kỳ 2009”. Nhưng lãnh đạo các đơn vị trên không hề gì, còn ông Nguyễn Đại Hà bị Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Năng cách chức ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ea Tam - đồng nghĩa với cách chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Quyết định được lãnh đạo Huyện ủy ký ngày 9.7.2012.

Chỉ vì muốn địa phương phát triển

Sai phạm thứ hai của ông Hà là thu tiền của công trình này, không nộp vào kho bạc mà chi tạm ứng cho công trình khác của Nhà nước. Năm 2003, Ea Tam được xây dựng chợ theo chương trình Trung tâm cụm xã, dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư. Để tránh chợ bị bỏ hoang, cấp ủy và chính quyền xã thấy cần thiết phải làm thêm các hạng mục thiết yếu như đường nội bộ, hệ thống thoát nước, kè chống xói lở...

Và quan trọng nhất là phải chuyển được 47 hộ từ chợ cũ đến, giao đất và huy động mỗi hộ 20 triệu đồng để lấy vốn xây dựng các hạng mục thiết yếu trên. Để làm việc này, HĐND xã đã ra nghị quyết, UBND xã có 4 tờ trình xin chủ trương UBND huyện. Huyện thành lập đoàn về kiểm tra (biên bản làm việc cho thấy đoàn nhất trí theo tờ trình).

Trong khi chờ văn bản của huyện, UBND xã đã thực hiện theo nghị quyết HĐND xã, thu mỗi hộ 50% số tiền để xây dựng. Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Krông Năng không ra văn bản trả lời (về nguyên tắc, huyện đồng ý hay không phải có văn bản).

Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam Đinh Công Hưởng nhận xét: Vi phạm của đồng chí Hà là do nóng vội tổ chức thực hiện nhằm cho địa phương phát triển, chưa có dấu hiệu gì vụ lợi, tham ô, tham nhũng.

Cùng thời điểm, các công trình phụ trợ của chợ Trung tâm cụm xã đang thi công thiếu vốn, nhà nội trú tạm bợ của 27 giáo viên có nguy cơ bị sập - xã đã nhiều lần đề nghị xây dựng lại nhưng huyện không làm.

Trong khi Kho bạc Nhà nước chưa cho nộp số tiền huy động của 47 hộ do thiếu văn bản của huyện, UBND xã đã chi tạm ứng 422 triệu đồng cho hai công trình trên. Số tiền còn lại là 160 triệu đồng hiện vẫn đang được quản lý tại ngân sách xã. Quá trình thu - chi và khi hoàn thành, UBND xã đều báo cáo với Đảng ủy, HĐND, MTTQ xã.

Các công trình trên đã sử dụng 8 năm nhưng vẫn còn tốt, phát huy hiệu quả. Chưa kể, khi chuyển đến chợ mới, 47 hộ đã giao lại cho chính quyền 10.000m2 đất trị giá cả chục tỷ đồng. Còn việc xã thực hiện không đúng nguyên tắc, ngày 14.9.2011, UBND huyện đã có văn bản “cho phép xã ghi thu, ghi chi khi đã thẩm định và quyết toán các công trình đã thi công, các hộ còn nợ thì tiếp tục thu để xây dựng công trình chợ”. Nói chung là không thất thoát đồng nào.

Sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chuẩn y quyết định cách chức của Huyện ủy Krông Năng, ông Hà đã có đơn khiếu nại và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét vụ việc.