Ông Quyền chia sẻ: Trước đây tôi đã từng đọc một bộ hồ sơ tài liệu nặng tới 70 cân. Đó là vụ án Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai phạm tội cướp của giết người, bị tử hình. Ông này không kêu oan gì cả. Lúc đó Uỷ ban vào giám sát làm việc, thấy có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông bị oan, đến khi gần có kết luận cuối cùng thì ông bị chết vì ung thư.
Đây cũng là một vụ mà bản thân ngành tư pháp cần rút kinh nghiệm rất lớn. Lâu nay có những vụ người dân kêu oan thì phải xem xét một cách rất thận trọng. Ủy ban Pháp luật và Uỷ ban Tư pháp giám sát rất nhiều. Ví dụ khóa 12, Ủy ban Tư pháp đã giám sát 75 vụ, đều được các cơ quan tư pháp chấp nhận kháng nghị để xét xử lại. Đó là chuyện bình thường.
Ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn phải chờ để được chính thức công nhận vô tội.
Thưa ông, ngành tư pháp cũng thừa nhận vẫn có một tỷ lệ án oan nhất định?
- Cũng không thể tuyệt đối hóa được. Vấn đề bây giờ là tố tụng công khai, minh bạch, và cần được phải đảm bảo trên thực tế, nhất là vào giai đoạn điều tra, truy tố, tạm giữ đối tượng. Lâu nay người ta cứ nói án tại hồ sơ nhưng không phải.
Án tại hồ sơ là anh phải đối chiếu với những tài liệu có trong hồ sơ và những cái thẩm vấn tại phiên tòa, ít nhất phải thông qua hoạt động thẩm vấn, đối chiếu những tình tiết khi thẩm vấn có ăn khớp với tình tiết ở hồ sơ hay không. Điều đó hết sức quan trọng. Người ta nói đó là niềm tin nội tâm của thẩm phán, nó liên quan đến việc xem xét đánh giá chứng cứ.
Kể từ khi chúng ta thực hiện cải cách tư pháp (2005) đến nay, theo ông tỷ lệ oan sai có giảm xuống không?
- Ngày càng giảm, trong đó án oan hình sự phải sửa ít nhất. Trong khi trước kia, các vụ án hình sự tỷ lệ oan sai không phải nhỏ. Những năm gần đây án sai phải sửa thì có nhưng án oan thì rất ít. Việc cân đối giữa tránh lọt và tránh oan cơ bản tốt.
Đặc biệt từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng, lại xuất hiện chiều hướng các cơ quan tố tụng quá thận trọng. Điều này cũng rất tốt vì nó liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Nhưng quá thận trọng thì lại dễ bỏ lọt tội phạm. Tức là anh phải chắc chắn rồi thì anh mới áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Nhiều người cho rằng từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn thấy rằng, quá trình cải cách tư pháp của ta đang thụt lùi?
"Cơ quan điều tra của ta được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Tuy nhiên, ở đâu đó năng lực vẫn còn thiếu kinh nghiệm, đặc biệt đối với thế hệ chuyển giao, được đào tạo nhiều hơn nhưng kinh nghiệm lại thiếu" Ông Nguyễn Đình Quyền
|
- Những oan sai, nói như Bộ trưởng Bộ Công an là điều rất đáng tiếc. Nhưng công cuộc cải cách tư pháp phải nhìn trên tổng thể. Không thể lấy cá thể mà đánh giá cả quá trình cải cách tư pháp. Vì tiến trình cải cách tư pháp ngày hôm nay ai cũng thấy dân chủ hơn, công khai hơn, minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền con người hơn…
Còn ở đâu đó còn có những vụ việc vi phạm thì có những cá nhân trong quá trình đánh giá chứng cứ và trách nhiệm chưa được tăng cường đúng mức.
Bài học kinh nghiệm lớn nhất sau vụ án oan 10 năm tù là gì?- Đó là những thiết chế kiểm soát. Ví dụ điều tra viên thì thiết chế đầu tiên là ông thủ trưởng cơ quan điều tra, phải thường xuyên xem xét đánh giá các hoạt động của điều tra viên. Bên cạnh đó có thiết chế Viện Kiểm sát thường xuyên kiểm soát các hoạt động tư pháp của điều tra viên và của thủ trưởng cơ quan điều tra. Quá trình thực hành công tố thì người này lại có sự kiểm soát lại. Tức là tất cả những thiết chế kiểm soát lẫn nhau phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Nếu bị buông lỏng sẽ dễ dẫn đến những sơ suất đáng tiếc.
Xin cảm ơn ông!