Thành công từ quy mô nhỏ
Trước đây, 2ha ruộng của gia đình chị Nông Thị Dương ở thôn Quan Lạn 2, xã Thanh Vận chỉ dùng để trồng ngô một vụ nên năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2011, được sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ADC), ngoài một vụ ngô, chị còn trồng thêm dưa hấu và đậu xanh mốc. Sau 3 tháng, chị Dương thu được 6 triệu đồng từ 500m
2 trồng thử nghiệm dưa hấu và 7 triệu đồng từ 500m
2 trồng đậu xanh.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trên, chị đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng đỗ xanh và dưa. Ngoài ra, chị Dương còn trồng 0,4ha chuối tây, 0,4ha dong riềng trên sườn đồi dốc, nuôi thêm 20 con lợn và 50 con vịt. Riêng năm 2013 này, tổng thu nhập từ các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của gia đình chị đạt hơn 100 triệu đồng.
Chị Dương cho biết: “Từ khi tiến hành đa dạng hóa giống cây trồng và vật nuôi, gia đình tôi không những đã thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Sau 2 năm tham gia dự án, tôi đã dựng được nhà gỗ và sắm sửa được nhiều đồ đạc có giá trị như xe máy, ti vi, tủ lạnh”.
Vườn cây dong riềng của gia đình chị Nông Thị Dương (thôn Quan Lạn 2, xã Thanh Vận).
Cũng giống như chị Dương, từ khi áp dụng mô hình xen canh đậu xanh - khoai tây, gia đình anh Hà Đức Thiệp - một trong những hộ nghèo nhất thôn Quan Lạn 2 đã thoát khỏi diện nghèo, có vốn để mở rộng sản xuất và mua thêm một số giống cây trồng, vật nuôi.
Ông Hà Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vận nhận định: “Tuy bước đầu mới chỉ có một số cá nhân trồng thử nghiệm nhưng các mô hình xen canh cây ăn quả và cây nông nghiệp đã cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, cả xã Thanh Vận có 4 thôn tham gia nhiệt tình nhất là Nà Đon, Nà Rẫy, Nà Chúa và Pá Lải. Trong năm 2014 - 2015, xã có kế hoạch hỗ trợ thêm giống, tìm đầu ra cho sản phẩm, tuyên truyền vận động để bà con tích cực tham gia hơn nữa”.
Nhân rộng mô hình
Thanh Vận và Mai Lạp là 2 xã nghèo nhất huyện Chợ Mới, với 4 DTTS Tày, Nùng, Mông, Dao cùng sinh sống. Trước đây, sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào việc khai thác các sản phẩm từ rừng như măng, nứa, củi, gỗ, nấm...
|
Từ một vài hộ thí điểm, đến nay, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đã được người dân 2 xã nhân rộng. Năm 2012, chỉ có 23 hộ dân trên địa bàn xã Thanh Vận và Mai Lạp tham gia mô hình với tổng diện tích hơn 13ha. Đến năm 2013, riêng diện tích trồng đỗ xanh ở 2 xã là 12ha với 298 hộ tham gia, diện tích trồng khoai tây là 2,5ha với 98 hộ tham gia.
Mỗi xã đều xây dựng các nhóm sản xuất, do những người đi trước áp dụng thành công mô hình làm chi hội trưởng. Các thành viên trong nhóm thường xuyên có sự trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Các cây trồng chủ đạo được người dân lựa chọn là cây hồng, cam, chuối tây, xen canh bí mèo, đậu xanh, khoai sọ...
Theo ông Lưu Thanh - Giám đốc Dự án “Hỗ trợ cộng đồng DTTS tỉnh Bắc Kạn xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp dựa trên kiến thức bản địa và kinh nghiệm sản xuất của người dân để thích ứng với biến đổi khí hậu” thuộc Trung tâm ADC thì các cây ăn quả và chuối là cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều lần ở các năm tiếp theo.
Chẳng hạn, cây hồng và cam cho thu hoạch khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha/năm (sau trồng 2 - 3 năm), cây chuối cho thu hoạch khoảng 13 tấn quả/1ha, đậu xanh cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng/ha/, bí cho thu hoạch 30 - 35 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình này đều là những mô hình triển vọng và phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân địa phương.