Dân Việt

Vờ bắt cóc, tống tiền qua điện thoại

Ngọc Lương - Xuân Lực 13/11/2013 21:06 GMT+7
Bằng thủ đoạn gọi điện lừa chủ thuê bao rằng họ có người nhà bị bắt cóc rồi tống tiền qua điện thoại. Do quá lo lắng, không ít người đã mang tiền đi gửi mà không biết rằng người thân của mình chẳng hề bị bắt cóc.
Chiều nay (13.11), Phòng Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50) - Công an TP.Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra ít nhất 20 vụ lừa bắt cóc, tống tiền qua điện thoại, trong đó có hơn một nửa số bị hại mang tiền đi nộp cho những đối tượng lừa đảo này.

Theo PC50, ngày 28.10.2013, đối tượng sử dụng điện thoại có mã số nước ngoài rồi gọi vào số điện thoại di động của ông Nguyễn Văn K (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với nội dung là chúng đang giữ con ông vì con trai ông nợ đối tượng số tiền 120 triệu đồng. Tiếp đó, một đối tượng giả giọng con trai ông K vừa nói vừa khóc: “Bố ơi, con bị nạn rồi, chúng nó đánh con”.

Nghe thế, ông K hoảng hồn tưởng là con trai mình đang bị bắt cóc, để giải thoát cho con, ông nói với đối tượng gọi điện rằng hiện chỉ có 50 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu ông chuyển vào tài khoản ngân hàng, đồng thời chúng buộc ông giữ liên lạc không được tắt máy nhằm mục đích không cho ông K thời gian xác minh thông tin.

Sau khi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho các đối tượng trên, ông K gọi điện thoại cho con trai là Nguyễn Thanh H xác minh thông tin thì mới biết mình bị lừa. Anh H không nợ nần tiền ai và không bị bắt giữ.

Vụ gần đây vào ngày 5.11, các đối tượng gọi điện thoại đến gia đình chị Đặng Thị Kim Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) thông báo chúng đã bắt cóc con của chị và đòi tiền chuộc 300 triệu đồng. Chúng yêu cầu chị Kim Oanh dùng điện thoại di động để liên lạc vay tiền, đồng thời để máy cố định cho chúng theo dõi. Tuy nhiên, chị Kim Oanh đã nhắn tin đến trường biết con mình vẫn an toàn nên đã nhanh chóng trình báo với cơ quan công an. Thấy bị lộ, các đối tượng đã dừng liên lạc.

Ngoài 2 vụ nêu trên, PC50 còn xác định được 3 vụ khác cũng bằng thủ đoạn tương tự. Theo các trinh sát thì để có thông tin của gia đình bị hại không quá khó, chúng có thể giả là cơ quan chức năng, hoặc một đơn vị tiêu dùng gọi điện đến hỏi thăm tên tuổi người trong gia đình; hoặc chúng cũng có thể lấy thông tin từ Internet, mạng xã hội…

Sau khi có được thông tin của gia đình nạn nhân, chúng đã gọi điện thoại cho phụ huynh tìm cách đe dọa rằng con em họ đang bị bắt cóc, muốn được thả thì nhanh chóng phải giao tiền. Thông thường nhận được điện thoại đe dọa kiểu này, ai nấy đều hốt hoảng, sẵn sàng làm theo yêu cầu của chúng để con em mình được an toàn mà không kịp báo cho người thân quen. Việc nhận tiền của chúng diễn ra rất nhanh chóng, chỉ mất khoảng 1-2 phút.

Theo trung tá Ngô Minh An (Phó trưởng phòng PC50), các đối tượng này là người Việt Nam nhưng đang cư trú bên Trung Quốc. Những người bị các đối tượng này gọi điện lừa bắt cóc tống tiền là phụ nữ và người già.

Cũng theo trung tá An, trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Công an TP.Hà Nội đã ra thông tin cảnh báo về thủ đoạn "lừa đảo bắt cóc tống tiền". Các đối tượng dùng chiêu bài gọi điện thoại đến số máy cố định của nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại, nói rằng chúng đã bắt cóc người thân (vợ, con) của bị hại. Để nạn nhân tin, chúng còn cho họ nghe tiếng kêu cứu giả giọng những người thân này.

Các đối tượng yêu cầu bị hại ngay lập tức chuyển tiền cho chúng qua tài khoản ngân hàng hoặc hẹn đến một địa điểm nào đó thì mới thả con tin và không xâm hại tính mạng, sức khỏe. Do quá lo lắng cho người thân, không ít người đã mang tiền đi gửi mà không biết rằng người thân của mình chẳng hề bị bắt cóc.

Sau khi báo chí đăng tải thông tin về thủ đoạn lừa đảo trên, các đối tượng lừa đảo đã ngừng hoạt động một thời gian. Tuy nhiên, gần đây chúng đã hoạt động trở lại và không ít người lại trở thành nạn nhân của chúng.

"Trong trường hợp người dân nhận được cuộc điện thoại hoạc tin nhắn có nội dung đe dọa rằng người thân của mình đã bị bắt cóc và yêu cầu nộp một số tiền thì người dân phải hết sức bình tĩnh, cố gắng kéo dài thời gian để xác minh và báo cáo sự việc với cơ quan công an phối hợp xử lý" - trung tá An khuyến cáo người dân.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.