Và bây giờ sông Ba đang chết bởi cái “quyết” này...
Làng nghề bỏ nghề
Ông Trần Cung ở Xóm Chài (thuộc tổ 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai) 50 năm nay sống bằng nghề đánh cá. Nhà nằm ngay bên bờ sông Ba, nơi tôm cá dồi dào nên nghề cá của ông Cung sống được. 9 đứa con, mà ông nuôi lớn thành người cũng nhờ mỗi cái nghề ấy. Vậy mà một ngày kia, sông Ba cạn nước, cá tôm chết nổi trắng sông. Bằng kinh nghiệm của người từng trải sông nước, ông Cung biết mình không thể sống nhờ sông Ba được nữa. Bởi nếu ngày xưa cá dưới sông Ba có 10 thì giờ nhiều lắm chỉ còn 1, mà cũng chỉ mỗi con rô phi (loại cá rẻ tiền nhất) còn trụ nổi.
Dù đang giữa mùa mưa lũ, nhưng sông Ba - đoạn qua thị xã An Khê vẫn gần như cạn nước. |
Xóm Chài có khoảng 70 hộ dân sinh sống bằng nghề đan lưới, đánh cá. Cuộc sống của họ phụ thuộc rất lớn vào nguồn cá sông Ba. Nhưng giờ đa phần họ đã bỏ nghề tìm kế sinh nhai khác. Chỉ có những người như ông Cung, già rồi, chẳng biết chạy đi đâu đành phải bám nghề. Họ phải chấp nhận đi xa thêm hàng chục cây số để kiếm con cá. Biết chẳng thể khá được nhưng dù sao cũng có cái đút vô miệng.
Chuyện sông Ba cạn nước thực ra không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cá tôm chết trụi, mà còn nguyên nhân khác là nguồn nước ô nhiễm. Từ ngày bị ngăn dòng, sông Ba từ bộ mặt trong xanh đã chuyển thành đen kịt. Mùa khô năm ngoái, người dân thị xã An Khê suýt… chết ngạt vì mùi hôi thối của sông Ba. Và cũng mùa khô đó, cá sông Ba chính thức “tuyệt chủng”.
Ông Lương Thành Công - Chủ tịch UBND phường Tây Sơn kể: “Khắp thị xã đâu đâu cũng ngửi thấy mùi hôi thối, trên sông, cá chết nổi trắng phau. Từ khi đóng dòng, kể cả mùa mưa lũ, nước trên sông Ba cũng chỉ xâm xấp, đục như quấy bùn. Bức xúc quá, thị xã đã huy động hàng ngàn dân ra sông nhặt rác, phát quang bụi bờ cho sông chảy. Song việc làm này chỉ là tình thế. Sông Ba đã chết ”.
Bà Đặng Thị Yến - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã này cho hay: “Nguyên nhân khiến sông Ba ô nhiễm là do các nhà máy bên trên xả thải cũng như mực nước sông quá thấp. Thực tế các nhà máy này vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn khi xả thải ra môi trường, song do nước sông hầu như không chảy nên nước thải này đọng lại sinh ra yếm khí, ô nhiễm môi trường.
“Chết” cùng sông Ba
Tại thị xã An Khê, người ta đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng một bờ kè dọc sông Ba. Việc này vừa là để đề phòng sạt lở ảnh hưởng đến dân, thứ nữa là tạo cảnh quan cho con sông thơ mộng này. Nhưng tiếc thay, khi dự án này vẫn còn dở dang thì nó đã thành vô dụng. Sông Ba đã chết thì còn cảnh quan gì. Ngay cả mùa mưa lũ mà nước sông cũng chỉ chảy lững lờ thì làm sao mà sạt lở được nữa.
Thực ra khi đóng dòng sông Ba, người ta đã có tính toán. Tiếc rằng báo cáo tác động môi trường này được phê duyệt từ năm 2004, và dường như lúc ấy, các vị ngoài Bộ Tài nguyên - Môi trường quên rằng cư dân dọc sông Ba không thể không phát triển. Sai lầm này đã bộc lộ ngay sau khi An Khê- Ka Nát đóng dòng (tháng 9.2010) chừng vài tháng. Không chỉ ô nhiễm kinh khủng, mà hàng trăm ngàn cư dân làm nông nghiệp dọc sông Ba cũng điêu đứng vì thiếu nước.
Dọc hạ lưu sông Ba hiện có khoảng hơn 300.000 dân của thị xã An Khê và các huyện Kông Chro, Ia Pa, KBang, Krông Pa (đều thuộc tỉnh Gia Lai). Theo tính toán, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của số dân này khoảng 14 triệu m3/năm và họ cần hơn 300 tỷ m3 nước phục vụ cho sản xuất. Đấy là chưa kể một lượng nước khổng lồ cần cho các nhà máy lớn đặt dọc con sông này. Trong khi đó, lượng nước mà người ta để lại cho sông Ba chỉ 4m3 mỗi giây.
Điều này đưa đến nhiều tác động tiêu cực hiển hiện rất rõ đối với hàng trăm ngàn người dân. Năm ngoái, hàng ngàn nông dân trồng mía đã một phen điêu đứng vì nguồn nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê ứ đọng. Nguyên nhân của tình trạng này chính là do nhà máy thiếu nước, không thể hoạt động hết công suất.
Thị xã An Khê có khoảng 10.000 dân phải sử dụng nước máy. Nguồn nước máy này lấy từ sông Ba, đã được trạm bơm xử lý 2 lần nhưng vẫn đục. Ông Lương Thành Công khẳng định, nguồn nước này hầu hết chỉ dùng để tắm giặt chứ không thể ăn uống được. Tại huyện Kông Chro (Gia Lai), tình trạng còn bi thảm hơn.
Ông Lương Bá Khánh - Trưởng trạm quản lý nước đô thị huyện Kông Chro cho hay: “Ở thị trấn này đào giếng rất khó. Hơn nữa, nguồn nước ở đây bị nhiễm chì và canxi rất lớn, khiến người dùng hầu hết đều mắc bệnh thận. Thế nhưng hiện tại nguồn nước máy cũng chỉ phục vụ được cho khoảng 50% dân số”.
Duy Hậu - Quốc Dinh