Dân Việt

Chết trong học kỳ quân đội: Thầy xỉn, trò chết đuối

Diên Hy (Dòng Đời) 11/08/2013 07:05 GMT+7
Cái chết của 5 học sinh Hàn Quốc tại một “học kỳ quân đội” bên bờ biển Hàn đã bật ra cuộc tranh cãi về sự thiếu an toàn, và hoạt động không minh bạch của các kỳ trại rèn luyện kỷ luật theo phong cách quân đội này.
“Mất bò mới lo làm chuồng”

Bộ trưởng Giáo dục Seo Nam-soo trong phiên họp giao ban của chính phủ đã nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả các trại và buộc họ ngưng hoạt động nếu không bảo đảm an toàn cho các em trại sinh”. Vị bộ trưởng hứa sẽ bảo đảm các hiệu trưởng, giáo viên phải kiểm tra kỹ các hoạt động ngoại khóa của các trường.
Hiệu trưởng Lee “say xỉn” suýt bị phụ huynh hành hung
Hiệu trưởng Lee “say xỉn” suýt bị phụ huynh hành hung
Đảng Saenuri nói số trại “huấn luyện quân sự” đang tăng nhanh nhưng chính phủ chưa ban hành các quy định cần thiết, và có nhiều trại do tư nhân mở không xin giấy phép, dụ dỗ học sinh vào chỉ để kiếm tiền mà không bảo đảm an toàn. Đảng này đề nghị chính phủ phải tăng cường giám sát các hoạt động ngoại khóa của các trường.

Nữ Tổng thống Park Geun-hee nói bà sẽ ra lệnh cho chính phủ tăng cường bảo đảm an toàn ở các “học kỳ quân đội” này, sau cái chết của 5 học sinh của một trường trung học có liên kết với Đại học Quốc gia Gongju, tại một “học kỳ quân đội” ở bãi biển Taean (tỉnh Nam Chungcheong) vào ngày 18.7. Hiện Bộ Giáo dục Hàn đang mở cuộc điều tra về hoạt động của trường.

Theo các quan chức bộ, trại “huấn luyện quân sự” ở Taean không có được giấy phép của chính quyền vì không bảo đảm an toàn, và bộ khuyến cáo các trường chỉ nên ký kết hợp đồng với các đơn vị tổ chức trại tư nhân có giấy phép, vì vài năm gần đây đã có một số tai nạn, khi các trường và công ty lập “học kỳ quân đội” trong kỳ nghỉ hè, nhằm giúp học sinh hoặc nhân viên mới tuyển xây dựng tinh thần tập thể và ý thức kỷ luật. Nhưng họ có thể “va” phải các đơn vị tổ chức không được chính quyền cấp giấy phép, các “huấn luyện viên” của các trại tư nhân đa số không có kinh nghiệm dẫn dắt học sinh, nhất là không biết bảo đảm an toàn cho các em.
Cảnh sát tuần duyên mang xác trại sinh vào bờ
Cảnh sát tuần duyên mang xác trại sinh vào bờ
Hiệu trưởng bận… nhậu

Chủ nhật tuần qua, người thân của 5 trại sinh xấu số - bị chết đuối - nói họ sẽ không tổ chức lễ tang cho con của họ, cho đến khi nào chính quyền thực hiện yêu cầu trừng phạt nặng những kẻ có trách nhiệm về thảm kịch này. Họ cũng đòi việc giải thích các tình huống chính xác dẫn đến những cái chết, cùng với việc phải đóng cửa tất cả các đơn vị không có giấy phép mà vẫn tổ chức các trại “học kỳ quân đội” cũng là các điều kiện cần được đáp ứng trước khi họ làm lễ tang.

Yêu cầu hiệu trưởng Lee Sang-kyu phải bị cách chức của các phụ huynh đã được Bộ Giáo dục Hàn thực hiện, vì lý do: ông ta nhậu xỉn “tới bến” khi ông ta có mặt tại hiện trường học sinh chết đuối. Người nhà của nạn nhân Jin Woo-suk 17 tuổi nói đây là một “học kỳ quân đội” do các cựu binh lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn mở, và “Ban đầu, các thầy giáo nói họ không hề uống rượu, nhưng sau đó họ rút lại lời nói này và bảo họ chỉ “đưa ly lên môi ngửi”.

Chúng tôi không thể tin những gì họ nói”. Các nhân chứng khác nói Lee vẫn nhậu với một số thành viên trong…hội phụ huynh học sinh tại một nhà hàng ăn gần đó, ngay sau khi ông ta được báo tin có tai nạn. Các phụ huynh nói họ ngửi thấy mùi rượu ngập ngụa từ người ông hiệu trưởng khi họ đến hiện trường 3 giờ sau thảm kịch.
Trại sinh nữ “tắm bùn”
Trại sinh nữ “tắm bùn”
Lee chấp nhận từ chức sau cuộc họp ngày 21.7 với một quan chức Bộ Giáo dục và gia đình các nạn nhân để bàn chuyện chôn cất các nạn nhân. Ông ta nói:“Cách duy nhất để lãnh trách nhiệm trước tai nạn này là tôi từ chức. Tôi chân thành xin lỗi quý vị phụ huynh vì không đảm bảo an toàn cho các học sinh. Tôi sẽ chờ sự trừng phạt của pháp lý”.

Nhưng các gia đình đòi bộ phải cách chức ông ta, loại ông ta khỏi ngạch công chức ăn lương: đây là hình phạt mạnh nhất, vì Lee sẽ không còn được quyền hưởng lương hưu. Nhưng vị quan chức Bộ Giáo dục không cho biết bộ có thực hiện yêu cầu “cắt sổ hưu” này hay không.

Nhảy ùm xuống rồi chết luôn

Theo kết quả điều tra sơ bộ, Anmyeondo Resort (một công ty du lịch nhỏ “kiêm” tổ chức “học kỳ quân đội”) tổ chức kỳ trại 3 ngày này (kết thúc vào đúng ngày xảy ra tai nạn) có tên “Thủy quân lục chiến” nhưng chẳng liên quan lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn, và không được chính quyền cấp giấy phép hoạt động.

Vào ngày cuối của “học kỳ quân đội” này, do còn chút thời gian trước bữa ăn tối chia tay, 23 trại sinh nhận lệnh của một “huấn luyện viên”, đã đi bộ xuống biển. Mực nước lên tới hông các em, nhưng dường như “huấn luyện viên” đã… tính sai độ sâu của vùng biển họ chọn làm nơi rèn luyện sự gan dạ cho các trại sinh. Kinh hoàng hơn, ông ta còn lệnh cho các trại sinh xấu số này phải… cởi áo phao. Chỉ vài phút sau khi nhảy xuống biển (lúc 17 giờ 10 chiều 18.7), các trại sinh bị sóng mạnh cao 1m cuốn ra xa và 5 em mất tích.

Một quan chức cho biết chính quyền đã có loa thông báo cấm bơi trước đó, các cư dân địa phương cũng đã cảnh báo thời tiết xấu trong mùa mưa nên chính họ cũng không dám xuống biển. Sau 24 phút xảy ra tai nạn, hai “thầy huấn luyện” nói họ có thể “tự tìm” các em học sinh, nhưng hóa ra hai “thầy” không biết bơi! Một phụ huynh kể: “Tôi có nghe các em còn lại nói các “thầy” chỉ đứng trên bờ vẫy cờ cầu cứu”.

Cảnh sát tuần duyên đã phải điều 4 trực thăng, 29 tàu tuần tra, 42 thợ lặn, 242 cảnh sát tuần duyên và 869 nhân viên cứu hộ được huy động nhưng một ngày sau mới tìm được 5 xác cách vùng biển Taetan 1km. Lực lượng tuần duyên nói đã tìm được 3 xác đầu tiên nhưng mãi hơn 12 giờ sau mới tìm được 2 xác còn lại.

Đơn vị tổ chức cẩu thả

Thông tin khác nêu nhà trường đã làm đơn kiện chủ nhà trọ vì tội cẩu thả. Cảnh sát nói ông chủ Kim đã giới thiệu “học kỳ quân đội” này cho Anmyeondo Resort, một công ty du lịch nhỏ “kiêm” tổ chức “học kỳ quân đội” hồi năm ngoái. Vào thứ bảy tuần qua, cảnh sát Hàn đã khám xét trụ sở ở thủ đô Seoul của công ty này. Họ cũng lấy lời khai của Kim, 49 tuổi, trưởng ban tổ chức trại hè, là người bị quy trách nhiệm “lơ là nhiệm vụ” giám sát 200 học sinh tham gia kỳ trại, nhưng Kim không bị bắt tạm giam.
Trại sinh tắm nước lạnh: phần thưởng sau một ngày rèn luyện
Trại sinh tắm nước lạnh: phần thưởng sau một ngày rèn luyện
Trong đơn kiện chủ nhà trọ Kim, cán bộ nhà trường tố: “Đơn vị tổ chức cẩu thả thuê huấn luyện viên không có kỹ năng và ra lệnh cho học sinh nhảy xuống biển mà không có áo phao”. Cảnh sát tuần duyên nói công ty khoe đã thuê các “huấn luyện viên” từng là lính thủy đánh bộ Hàn nhưng đa số các “thầy” này không có kỹ năng rèn luyện trẻ em ở vùng biển.

Trong 32 “huấn luyện viên” của kỳ trại này, chỉ có 6 người có bằng tốt nghiệp cứu hộ, và chỉ 8 người có giấy phép hoạt động thể thao dưới biển. Một số “thầy” chỉ mới được tuyển vào làm việc hồi tháng 6, ở vị trí nhân viên bán thời gian. Nhà trường cũng tố cáo một số “huấn luyện viên” không báo nhà trường về tai nạn, thậm chí toan che giấu tai nạn trong gần 60 phút. Nhà trường nói đơn vị tổ chức không chính thức xin lỗi gia đình các nạn nhân và cũng không đề nghị bồi thường, nên họ yêu cầu chính quyền phải “xử thật nặng” công ty du lịch.