"Rối như tơ vò" khi "lạc giữa rừng hoa"
Hiện cả nước có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công làng nghề khác nhau. Nhiều sản phẩm có giá trị lịch sử phát triển hàng nghìn năm và đến được với người dân khắp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang “lạc giữa rừng hoa”, không biết chọn mua thế nào vì sản phẩm làng nghề phân tán…
VN chưa có nhiều sản phẩm làng nghề đặc trưng (ảnh minh họa). |
Ông Hoàng Hoa Quân (Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch – Bộ VHTTDL), cho biết: “Sản phẩm làng nghề có giá trị quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, nhiều lần triển lãm, đơn vị tổ chức rất khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm đặc trưng để giới thiệu với bạn bè quốc tế”. Ông Hoa cho rằng, có thể phải tổ chức bầu chọn các sản phẩm làng nghề như bầu chọn quốc hoa vừa qua.
Còn Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, sản phẩm làng nghề nước ta tuy rất đa dạng, phong phú, nhưng chưa khẳng định được thương hiệu đối với thị trường trong và ngoài nước. Người ta có thể nhớ ngay đến búp bê gỗ Matrioska khi nhắc đến nước Nga, tranh gỗ bạch dương Ukraine… Làng nghề Việt Nam cần phải tạo ra được những sản phẩm như thế” - ông Tần nói.
Ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng gặp phải tình trạng “rối như tơ vò” khi muốn lựa chọn sản phẩm làng nghề. Có tỉnh có tới hàng trăm sản phẩm, nhưng không có sản phẩm nào nổi tiếng hoặc nhiều tỉnh có chung một loại sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Minh (Bình Lục, Hà Nam) nói: “Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ… đều rất nhiều làng nghề mây tre đan. Tôi thấy bạn tôi có một cái bình hoa bằng mây tre đan rất đẹp, muốn tìm mua, nhưng không biết tìm ở đâu”. Một số chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công ở làng nghề còn cho biết, hiện nay đang xảy ra tình trạng mua bán sản phẩm, thuê gia công giữa các làng nghề có cùng mặt hàng. Điều này dẫn đến sản phẩm làng nghề tiếp tục bị phân tán, giảm bản sắc.
Cần tập trung cho sản phẩm chủ lực
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, các địa phương cần phải tập trung những sản phẩm chủ lực để xây dựng và phát triển. Theo Thứ trưởng Tần, việc tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, có tầm vóc quốc gia này không có nghĩa là xem nhẹ các sản phẩm, các làng nghề còn lại mà đây là cách làm tập trung, thí điểm; từ đó sẽ lan tỏa sang các làng nghề khác. “Việc chọn sản phẩm làng nghề chủ lực, cũng sẽ làm cho sự hỗ trợ của Nhà nước mang tính tập trung, hiệu quả hơn” - ông Tần khẳng định.
Phía các làng nghề, người sản xuất cũng thực sự muốn làm ăn lớn, chứ không theo cách làm manh mún, phân tán như hiện nay. Ông Phạm Hải Đường – Chủ nhiệm HTX Tương Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: “Hiện nay, tương Nam Đàn vẫn chủ yếu bán cho các khách hàng lẻ với số lượng không nhiều. Mong muốn của bà con xã viên là có những đơn hàng lớn, ổn định”.
Theo ông Đường, bản thân hợp tác xã cũng nỗ lực để tìm các hợp đồng lớn như bán tương cho siêu thị Big C ở TP.Vinh và mới ký được hợp đồng với 2 công ty trong nước. Tuy nhiên, nếu xã viên HTX cùng chung tay để làm, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong quảng bá sản phẩm, hỗ trợ về vốn sản xuất… những sản phẩm làng nghề như tương Nam Đàn sẽ bán được số lượng lớn, góp phần thay đổi cuộc sống của nông dân ở làng nghề.
Hồ Thường
Sỹ Lực – Nguyệt Hà