Dân Việt

Lá bùa giải hạn

Đào Tuấn 31/12/2013 10:45 GMT+7
“Cà phê lận đận, người trồng lỗ lãi, người uống đắt đỏ. Cao su, tiêu, điều, mía đường, cá tra và lúa gạo... đều lao đao, thậm chí phá sản cục bộ”.
Ông Nhị “vẽ” bức tranh ấy và nêu hoàn cảnh: “Hội nhập mà thiếu đầu óc độc lập, tinh thần tự chủ, tự lực tự cường... thì càng làm càng thua thiệt, và mất quyền ngay trên đồng ruộng, ngay từng sản phẩm của mình”.

Một năm “hạn” của nông nghiệp. Và “hạn” nặng nhất là cây lúa, hạt gạo.

Khối lượng gạo xuất khẩu, ước đạt 6,61 tấn, giảm 17,4% về khối lượng. Tổng giá trị ước đạt 2,95 tỷ USD, giảm 19,7% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân 441,2 USD/tấn, đã giảm 3,4%.

Phải mở ngoặc nói thêm, những “kết quả” này, nếu cưỡng ép gọi đây là “kết quả”, có được sau khi chỉ tiêu xuất khẩu đã 2 lần được “điều chỉnh”, tất nhiên theo hướng giảm.

Và hậu quả của những “kết quả” này là một sào lúa sau biết bao mồ hôi nước mắt chỉ vừa đủ mua 2 bát phở. Là tình trạng nông dân trả ruộng ở nhiều nơi. Có thể tưởng tượng được không, ở một tỉnh đất chật người đông như Thanh Hóa, 10.578 hộ nông dân đã bỏ ruộng, trả ruộng với diện tích 1.104,7ha.

Trong ngày cuối cùng của năm, vẫn phải viết rằng chưa thấy có bất cứ tín hiệu nào cho thấy “cái hạn” đó sẽ được giải trong năm 2014.

Người ta nhắc tới Nhật Bản, như một hướng khai mở thị trường, nhưng Tham tán Nguyễn Trung Dũng thẳng thắn rằng: Với khoảng 8 triệu tấn gạo tiêu thụ mỗi năm, nhưng Chính phủ Nhật chỉ cho phép nhập, qua đấu thầu, 770.000 tấn. Và “cửa” dành cho gạo Việt Nam là không có.

Còn thị trường truyền thống Trung Quốc ư? Trong năm qua, Bộ Công Thương đã “thí điểm” xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, và sau đó thừa nhận lối “đánh du kích” này bao gồm cả những rủi ro từ sự xuống cấp về chất lượng, đến quá tải, ách tắc, và cả nguy cơ bị ép giá, rủi ro thanh toán...

Trong bài viết trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhị viết ra những dòng khắc khoải: Sự sa sút của nông nghiệp không hoàn toàn do suy thoái kinh tế thế giới và càng không phải cộng đồng hàng chục triệu nông dân ta đều bị “sao hạn”!

Chẳng có “sao hạn” nào cả khi mấy chục triệu nông dân vẫn đang vắt mồ hôi làm quá tốt công việc tạo ra hạt lúa.

Vì thế, lá bùa giải hạn, nếu có, là để dành cho những nhà quản lý.

Tái cấu trúc, tái cơ cấu, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm, đưa KHKT vào nông nghiệp… Cái đó nói mãi rồi, và phải làm quyết liệt đi thôi. Kể cả việc chuyển dịch cơ cấu, chứ không thể để mãi tình trạng, nói như ông Nguyễn Minh Nhị- “xuất khẩu cô dâu” và “lao động thô”.