Giám khảo đá chân trái
Đối với truyền hình thực tế, bên cạnh thí sinh, giám khảo chính là linh hồn, là yếu tố quan trọng làm nên thành-bại của show. Thậm chí, trong một số trường hợp, giám khảo còn nổi bật và “hot” hơn cả người đi thi. Vì lẽ đó, chuyện mời ai làm “thầy chấm” luôn khiến nhà sản xuất phải cân não.
Chẳng hạn như, ở lĩnh vực thi hát, người ta vẫn thấy ba “ông” đạo diễn là Lê Hoàng, Việt Tú và Quang Dũng xông pha "ghế nóng" khắp các chương trình: Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam Idol trong khi bản thân chưa từng tham gia sản xuất một sản phẩm âm nhạc nào trên thị trường.
Và mới đây, sau khi Siu Black rút lui vì scandal nợ nần, danh hài Hoài Linh bỗng trở thành giám khảo chính của cuộc thi hát Tôi là người chiến thắng – The Winner Is… trong sự “té ngửa” của nhiều khán giả.
Thêm một ví dụ nữa, dù là người có vốn kiến thức khá đa dạng về các bộ môn nghệ thuật, nhưng không thể nói những nhận xét của vị đạo diễn Gái nhảy – Lê Hoàng là chuyên nghiệp trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ và So You Think You Can Dance.
Nước cờ của nhà sản xuất
Các đao diễn: Lê Hoàng, Việt Tú, Nguyễn Quang Dũng và cả danh hài Hoài Linh đều đã lần lượt thành giám khảo của những cuộc thi hát trên truyền hình. Điều đó phần nào cho thấy, chuyên môn chưa hẳn là tiêu chí chính để các nhà sản xuất “lựa” giám khảo. |
Nếu quan sát kỹ “nhất cử, nhất động” của truyền hình thực tế Việt ít năm gần đây, không khó để nhận ra, đó chính là yếu tố “tầm vóc” và sức thu hút công chúng của những người cầm cương.
Khỏi phải nói, cái tên Lê Hoàng đã “hot” tới độ nào sau loạt phim Gái nhảy, rồi “bốc ngùn ngụt” ra sao khi ngồi ghế nóng Cặp đôi hoàn hảo mùa đầu tiên.
Sự thâm thúy trong nhận xét và tinh thần không ngại chê bai đã làm nên thương hiệu của vị đạo diễn này. Trên Facebook, “Hội những người phát cuồng vì Lê Hoàng” liên tục nạp thêm thành viên. Ngay sau thành công đó, Lê Hoàng được các show tới tấp “săn đón” như một sự cần thiết để tăng nhiệt chương trình.
Các trường hợp của đạo diễn Dũng “khùng”, đạo diễn Việt Tú hay danh hài Hoài Linh cũng không phải ngoại lệ.
Ấy thế nhưng, cả hai gương mặt ấy đều được Cát Tiên Sa “nhắm” vào ghế huấn viên The Voice mùa đầu tiên. Và đúng như tính toán, thay vì những nhận xét chuẩn mực như kiểu nhạc viện, The Voice lại gây “bão” nhờ những màn đấu khẩu, “mật ngọt” dụ thí sinh.
Xét ở khía cạnh kinh doanh, rõ ràng, đây là một nước cờ hiệu quả.
Có “hot” mãi nổi không?
Xông pha ở những lĩnh vực không phải là sở trường, sự hạn chế, “hớ hênh” trong nhận xét chuyên môn là điều đương nhiên khó tránh khỏi. Sau những show liên tiếp làm giám khảo, sự xuất hiện của Lê Hoàng trên hàng ghế nóng Cặp đôi hoàn hảo mùa thứ hai dường như đã chẳng còn “hot” được như trước khi mà khán giả đã bắt đầu thấy quen với phong cách "mắng mỏ" của vị đạo diễn này.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt trong kiến thức chuyên môn về âm nhạc đã khiến Lê Hoàng “mất điểm” với người hâm mộ, thí sinh bất bình và ngay cả các giám khảo đồng nghiệp cũng liên hồi… “choảng” anh.
Gây tranh cãi hơn cả là tiết mục Người ở người về của cặp Khương Ngọc – Mỹ Lệ, vốn được đánh giá cao ở sự tinh tế, nghệ thuật và hòa hợp trong giọng hát. Tuy vậy, với riêng Lê Hoàng, anh lại thấy nó trúc trắc, “khó nghe”. Kết quả, điểm 7 của vị đạo diễn Gái nhảy trở nên lạc lõng hoàn toàn giữa ba điểm 10 tròn trịa. Chưa bao giờ, người hâm mộ lại nghi ngờ vào sự cảm thụ âm nhạc của Lê Hoàng tới vậy!
Dù rất hút khách trong những tập đầu tiên, nhưng khi Giọng hát Việt 2012 càng vào sâu trong giải, sức nóng của Hà Hồ, Đàm Vĩnh Hưng đã dần chuyển thành sự nhàm chán. Quá lạm dụng lời khen, Hà Hồ khiến Bảo Anh trở nên đáng thương khi tung hô cô gái trẻ là “Taylor Swift của Việt Nam” chỉ qua một bài hát. Để rồi sau đó, chính Bảo Anh phải “nhặt đá” dư luận khi ngày càng để lộ điểm yếu trong giọng hát ở những vòng sau.
Còn với Đàm Vĩnh Hưng, dường như sự chú ý của “ông hoàng nhạc Việt” dành cho đầu tóc, trang phục, da, dáng, mắt, chân… của thí sinh còn lấn át cả giọng hát của họ. Trong khi đó, Giọng hát Việt là một sân chơi âm nhạc chứ tuyệt đối chẳng phải là sàn diễn thời trang.
Giống như câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, có lẽ, trình
độ chuyên môn của giám khảo cần được đặt cao hơn, hoặc chí ít là song song với sự hào nhoáng của một ngôi sao.
Truyền hình thực tế Việt muốn đi đường dài, thì nên chăng, cũng cần một “chiến lược dài hơi” trong khâu chọn những gương mặt biết "cầm cân nảy mực".