Những hình ảnh người hôi của vác bia từ một chiếc xe bị tai nạn ở Biên Hòa đăng trên các báo làm cả xã hội sực tỉnh một điều: Dân mình xấu xí quá.
Không còn cả sự xấu hổ khi người ta xông vào tranh bia khi người khác lâm nạn, không còn cả tình người khi biết rằng anh tài xế không may kia sẽ phải đền cả xe bia hàng ngàn thùng.
Bia đổ ra đường có thể nhặt lại giúp cho anh tài xế nhưng không mấy ai làm. Ai cũng biết rằng đó không phải là tài sản của mình nhưng cứ ngang nhiên lấy. Ai cũng biết đó là điều không tốt nhưng vẫn cứ làm. Bất chấp đạo lý làm người. Rõ ràng một bộ phận con người đang tha hóa một cách đáng sợ.
Nhìn những gương mặt đầy hả hê khi vác được vài thùng bia mà “nhà báo công dân” ghi lại mới thấy xấu hổ cho người mình. Có những người ăn mặc lịch sự, đi xe đắt tiền, vậy mà vẫn cướp đi từng lon bia của người bị nạn. Thật hết thuốc chữa!
Mới đây thôi, chị Nguyễn Thị Huệ bị giật giỏ xách ngay trước ngân hàng ở thành phố Quy Nhơn. 1,2 tỷ đồng văng ra đường, nhiều người xông vào cướp. Cuối cùng, chị Huệ chỉ lượm lại được hơn 800 triệu đồng. Chị nhìn những người lương thiện bỗng trở thành kẻ cướp ngay trước mắt mình. Có lẽ điều này làm cho chị buồn hơn cả mất tiền! Tại TP.HCM, vụ cướp giật 50 triệu đồng tập thể đã làm nhức nhối dư luận. Người đàn ông tên Trường đã giành giật lại 50 triệu đồng từ tay 4 tên cướp, nhưng khi số tiền đó rơi ra đường, ông đã bất lực nhìn hàng trăm người lao vào nhặt. Ông đã mất tiền và mất luôn cả lòng tin vào đồng loại.
Ngày xưa, ra đường gặp chuyện bất bằng, nhiều người sẵn sàng xắn tay áo vào cứu giúp. Ngày nay, thấy người bị nạn lại lợi dụng cơ hội xông vào hôi của, đó là một thực tế đau lòng và đáng cảnh báo về sự tha hóa đạo đức xã hội.
Còn biết bao nhiêu trường hợp nữa? Có những kẻ ăn chặn tiền cứu trợ của người dân bị thiên tai, ăn chặn cả thân nhân liệt sĩ bằng cách làm giả hài cốt liệt sĩ. Ăn luôn cả tiền Chính phủ trợ giúp cho dân nghèo dịp tết...
Điều đáng nói ở chỗ, những người hôi của, ăn chặn không phải vì quá nghèo túng nên làm càn theo kiểu “bần cùng sinh đạo tặc” mà vì lòng tham, vì quán tính sống trong một xã hội coi thường nhân tâm và thiếu vắng lòng trắc ẩn.
Đã đến lúc phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa về “người Việt xấu xí” như một cách vực lại sự xuống cấp về đạo đức. Dân mình vốn vẫn được ca ngợi bằng những tính từ chịu thương, chịu khó, thông minh, sáng tạo... Nhưng đôi lúc chúng ta cũng phải biết tự xấu hổ khi trước nhà treo đủ danh hiệu “gia đình văn hóa, khu phố văn hóa”... mà hình ảnh những người hôi của đã lan truyền ra khắp thế giới.
Đau lắm, người mình ơi!