Trên thực tế, có không ít vụ án tham nhũng, khi khởi tố thì ồn ào dữ dội, nhưng qua nhiều lần xét xử, nhiều lần thay đổi tội danh, án còn bé teo. Án “xẹp” như vậy là do con cá lớn nó quẫy và thoát lưới pháp luật.
Khi đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH - ông Ksor Phước– nói: “Cần tập trung vào các trọng điểm những nơi có nhiều tiền, nhiều quyền là nơi dễ tham nhũng nhất và là tham nhũng lớn. Chúng ta cứ đi đánh lơ vơ ở đâu đấy, nên đánh thẳng vào đó, đấy mới là con cá lớn”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề thẳng: Không có tham nhũng thì lấy gì chạy chức, chạy quyền? Biết là như vậy. Biết có cá lớn, sâu lớn, bầy sâu, biết rằng “người ta đã ăn của dân không từ một thứ gì”, và biết rằng có “một bộ phận không nhỏ” tham nhũng, biết rằng người ta tham nhũng để lấy tiền chạy chức chạy quyền. Lãnh đạo biết hết và dân cũng biết hết.
Biết thì phải nói thẳng ra, công khai minh bạch diện mạo tham nhũng mới tiêu trừ tham nhũng được. Ví dụ “cá lớn” là những ai? Tất nhiên cá lớn mới tham nhũng lớn, cá con con chỉ tham nhũng vặt.
Sâu và bầy sâu là ai? Nó cũng là “bộ phận không nhỏ”. Nhưng chỉ nói nhiều về bộ phận này chẳng để làm gì khi không chỉ thẳng ra tên gọi cá nhân cụ thể. Chỉ phê phán bộ phận vô hình đó thì chẳng chết ai, nguy hơn là bộ phận không nhỏ đó ngày càng to ra.
Tham nhũng để chạy chức chạy quyền, và có quyền có chức mới tham nhũng được, hiển nhiên là như thế. Nhưng những người được chạy đó là ai. Chạy chức lớn thì phải tìm đến người có quyền lớn, chẳng lẽ kẻ tham nhũng vác tiền chạy chức, chạy quyền ở trong chốn dân gian?
Trở lại câu nói của ông Ksor Phước, đó là đánh thẳng vào nơi nhiều tiền, nhiều quyền, tức là những “con cá” lớn. Dân cũng muốn lắm, nhưng làm sao bắt được con cá lớn thì chịu. Về điều này, chính ông Ksor Phước cũng đã có câu trả lời qua một ý kiến đặt vấn đề: “Vậy trong các vụ án nghiêm trọng, có vụ nào cơ quan tư pháp nhận được ý kiến của các lãnh đạo chủ chốt để làm nhẹ, thu hẹp phạm vi điều tra?”.
Một câu hỏi quá khó trả lời. Bởi lẽ, những người chỉ đạo được cơ quan tư pháp làm “xẹp” vụ án xuống thì đủ biết quyền lực của họ rất lớn, làm sao có ai đó dám khai ra. Trên thực tế, có không ít vụ án tham nhũng, khi khởi tố thì ồn ào dữ dội, nhưng qua nhiều lần xét xử, nhiều lần thay đổi tội danh, án còn bé teo. Án “xẹp” như vậy là do con cá lớn nó quẫy và thoát lưới pháp luật.
Và thế là luẩn quẩn với câu hỏi: Làm sao bắt được “con cá” lớn?