Vi phạm pháp luật từ lâuTheo bản kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa, đoàn công tác liên ngành cùng với nhân dân đã phát hiện trong khuôn viên xưởng sản xuất của Nicotex có 10 hố chôn chất thải độc hại và được xác định thành 3 biên bản.
Đó là, trong giai đoạn từ năm 1998-11.2005, khi công ty này đi vào hoạt động, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Việt- Giám đốc công ty, đã chỉ đạo công nhân chôn 380kg thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá hạn trong bể xi măng (vào thời điểm năm 2000). Sau khi cơ quan công an điều tra, ông Việt tiếp tục khai nhận thêm, năm 2001 ông đã chỉ đạo chôn lấp 10 thùng phuy chất Methemedofor, với khối lượng 1.000kg.
Những hóa chất độc hại được chôn lấp dưới lòng đất của Nicotex Thanh Thái.
Thời điểm tháng 11.1999, khi ông Việt đi công tác nước ngoài, ở công ty đã xảy ra sự cố chập điện tại bể gia nhiệt dẫn đến 3 thùng phuy Dimethoate bị bục vỏ, một phần hóa chất bị thoát ra ngoài lẫn với nước trong bể. Sau đó, ông Nguyễn Trọng Nho (là phó Giám đốc) đã cho múc toàn bộ nước bị nhiễm Dimethoate trong bể gia nhiệt (khoảng 2m3) đổ vào các phuy 200 lít. Khi ông Việt về thì thấy tại khu nhà xử lý nước thải có 7-8 phuy, nên đã giao cho ông Đức (phụ trách môi trường) xử lý số nước này theo quy trình xử lý nước thải nhưng cũng bị chôn lấp.
Đến giai đoạn từ tháng 12.2005 đến tháng 7.2011, ông Nguyễn Xuân Trường- Giám đốc công ty, đã chỉ đạo chôn tới 5 hố chất thải độc hại. Theo báo cáo của ông Trường, năm 2008, ông đã chỉ đạo ông Lương Văn Ngọ (hiện đang công tác tại Nicotex Thái Bình) chôn lấp khoảng 300-400kg vỏ chai đựng thuốc BVTV. Tại hố chôn thứ 2, phát hiện 3 đầu thùng phuy kim loại đã cũ, hoen gỉ, thủng, vỡ nứt; hố thứ 3 có nhiều mảnh vỡ bê tông; hố thứ 4 phát hiện 3 đầu thùng phuy bằng kim loại hoen gỉ, vỡ nứt…
Còn biên bản số 3, phát hiện 4 hố chôn. Trong đó 1 hố có 3 miếng kim loại hình tròn (mặt thùng phuy bị thủng, bên lỗ thủng có chất dịch màu đen); hố thứ 2 có một số mảnh kim loại đã cũ, gỉ và các gói nylon, trên đó in chữ “thuốc trừ sâu Nicotex”.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường báo cáo, trong khoảng thời gian từ 2006 đến tháng 7.2011, mỗi khi có cặn bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải, ông đều cho công nhân đem chôn vào hố này. Tổng số lượng cặn bùn mà ông Trường đã cho chôn khoảng 1m3.
Chỉ đạo xử lý nghiêm
Khi tiến hành điều tra vụ việc, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến hành lấy 13 mẫu vật môi trường (trong đó có 5 mẫu đất, 4 mẫu nước và 4 mẫu chất thải) gửi đến Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV phía Bắc- Cục Bảo vệ thực vật để kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu, hàm lượng các chất nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường.
Theo kết quả kiểm định tại Trung tâm kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật): mẫu đất 1, chất Cypermethrin vượt 63,2 lần cho phép; chất Isoprothiolane là thuốc trừ sâu độc nhóm III vượt tiêu chuẩn 37,8 lần. Mẫu chất thải 1 phát hiện chất Cypermethrin là thuốc trừ sâu độc nhóm II vượt tiêu chuẩn cho phép 9.276 lần. Mẫu chất thải 3 cũng phát hiện chất Cypermethrin vượt tiêu chuẩn 7.719 lần.
Ngoài ra, Nicotex còn một số hành vi vi phạm liên quan đến quản lý chất thải nguy hại như: Chậm xử lý chất thải nguy hại; tự ý chôn lấp chất thải nguy hại xuống lòng đất từ năm 2001 mà không khai báo thành khẩn với các cơ quan chức năng. Công an tỉnh và đoàn kiểm tra không đủ điều kiện về thiết bị, kỹ thuật chuyên môn để khai quật, xác định khối lượng, chủng loại, thời gian chôn lấp chất thải và mức độ ô nhiễm môi trường tại các địa điểm chôn lấp nêu trên. Vì vậy việc này cần phải được khẩn trương làm rõ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi chôn lấp chất thải nguy hại của tập thể, cá nhân liên quan, thống nhất xem xét việc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Nicotex Thanh Thái bị phạt hành chính hơn 400 triệu đồng
Chiều 18.9, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3253/QĐ-XPHC về việc Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Nicotex Thanh Thái .
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phạt 10 hành vi vi phạm hành chính, tổng mức xử phạt mà UBND tỉnh Thanh Hóa áp dụng vào quy định của pháp luật, thì Nicotex phải chịu mức phạt là: 421.150.000 đồng.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Nicotex để khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Thời hạn đình chỉ kể từ ngày có quyết định xử phạt hành chính đến khi công ty thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả và được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho hoạt động trở lại.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu đối với Nicotex phải thực hiện đúng, đủ các biện pháp khắc phục hậu quả, các nội dung bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt tại Quyết định số 17/QĐ-MTg ngày 14.1.1999 của Sở Khoa học, công nghệ và môi trường tỉnh Thanh Hóa và các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện hành.
Hồng Đức
|