Nhà ở nông thôn nên xây theo mẫu truyền thống. |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 3 năm nay, tất cả 11 xã điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được phê duyệt quy hoạch chung đáp ứng được yêu cầu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đánh giá: "Đồ án quy hoạch là cơ sở để các địa phương lập các dự án hoặc báo cáo đầu tư, vì mỗi xã có khoảng 60 dự án giao thông, 40 dự án thuỷ lợi, thậm chí xã quy mô lớn có đến khoảng 200 dự án".
Phối hợp chưa chặt chẽ
Chỉ tính riêng tại 11 xã điểm, tổng khái toán đầu tư là trên 1,7 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản cho 16 danh mục công trình chiếm 70% tổng vốn đầu tư. Lần đầu tiên, Bộ Xây dựng đã áp dụng công nghệ bản đồ kỹ thuật số, hệ thống thông tin dữ liệu trong việc lập quy hoạch, quản lý xây dựng về NTM.
Ngay sau khi có quy hoạch, nhiều xã đã bắt tay vào xây dựng NTM, điển hình như xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. HCM, đến tháng 3 đã đầu tư 103 tỷ đồng, trong đó vốn do người dân và các tổ chức đóng góp lên tới 64 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành làm điểm NTM ở 5 xã nữa đại diện cho 5 huyện ngoại thành của thành phố. Chúng tôi cũng đã kiến nghị T.Ư cho phép thành phố đầu tư trực tiếp bằng ngân sách địa phương để xây dựng 5 xã điểm này. Riêng ở Tân Thông Hội, sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu tư sau năm 2011".
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sự phối hợp giữa quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành khác chưa chặt chẽ, nhiều quy hoạch được lập riêng rẽ, không khớp nối với các quy hoạch khác trên cùng một vùng lãnh thổ để có sự thống nhất gây vướng mắc trong lập quy hoạch chung.
Một điểm hạn chế trong công tác quy hoạch hiện nay là, nội dung của đề án quy hoạch chung đối với 11 xã điểm chưa có nội dung quy hoạch chi tiết cải tạo điểm dân cư hiện có. Tuy nhiên, để lập quy hoạch chi tiết cho từng thôn, bản đòi hỏi chi phí và thời gian rất lớn. Đặc biệt, vấn đề nổi cộm hiện nay là năng lực cán bộ ở các xã trong công tác lập quy hoạch còn thiếu và hầu hết chưa qua đào tạo.
Ông Bùi Phạm Khánh- Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng: "Vấn đề quy hoạch cho các xã NTM chưa được các nhà khoa học, nhà đầu tư, các tổ chức khác tham gia vào công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng nông thôn. Do đó, cần nghiên cứu ban hành các loại mẫu nhà ở phù hợp để hướng dẫn, khuyến khích nhân dân xây dựng nhà ở truyền thống, ban hành sổ tay hướng dẫn quy hoạch nông thôn".
Nông dân phải được tham gia
Tại xã điểm nông thôn mới Tân Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang), phần lớn người dân vừa triển khai xây dựng, vừa làm quy hoạch. Ông Dương Quang Tạo- Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho rằng: "Đặc thù của khu vực nông thôn rất khác. Địa bàn mỗi xã rộng, hơn nữa việc quy hoạch chỉ dừng lại ở hiện trạng có sẵn của nông thôn, nên rất khó đạt được tiêu chí.
Ví dụ, để đạt được tiêu chí quy hoạch về chăn nuôi, chúng ta sẽ phải đưa hết các điểm chăn nuôi lẫn với khu dân cư ra khu tập trung, nhưng có hộ đã đầu tư cả hàng trăm triệu đồng vào xây dựng chuồng trại rồi. Nay bảo họ chuyển đi, thì họ lấy đâu ra tiền đầu tư vào khu mới, rồi nhà nước có đủ kinh phí để hỗ trợ không. Cho nên, trong quy hoạch phải có sự linh hoạt, không làm cứng nhắc được.
Ông Hồ Xuân Hùng- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: "Cả nước có gần 10.000 xã phải làm quy hoạch, đây là khối lượng công việc lớn, rất khó, nhưng không phải không làm được. Trước hết, khi làm quy hoạch phải tuân thủ những gì nông thôn VN đã tích luỹ được từ ngàn đời nay, nếu xem nhẹ là sẽ phá vỡ đi truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc.
Điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là phải hiện đại hoá cơ sở hạ tầng nông thôn, phải kế thừa được hạ tầng vốn có của nông thôn và tranh thủ được ý dân. ND phải được tham gia vào quy hoạch của chính họ và họ chấp nhận, tuân thủ những quy định ấy vì lợi ích của chính họ".
Lê Hân